Trước sự phát triển của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống vẫn phát huy được vai trò của mình trong lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, chợ là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nên việc tạo điều kiện cho các HTX đầu tư vào chợ được cho là hướng đi hợp lý hơn cả, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chợ nông thôn được quy định tại tiêu chí số 7 với rất nhiều quy định cần đáp ứng về diện tích nhà lồng, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, xử lý rác thải, cấp thoát nước, vệ sinh an toàn thực phẩm… Có thể thấy, những chợ mới hình thành đạt tiêu chí số 7 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đều được quy hoạch khoa học, thuận tiện cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa, kinh doanh buôn bán…
Trở ngại trong đầu tư
Chính vì vậy, việc thu hút HTX đầu tư, tham gia xã hội hóa chợ truyền thống đã và đang được đánh giá là hiệu quả. Nhiều chợ dưới sự đầu tư, quản lý theo mô hình HTX đã có những thay đổi tích cực như: chợ Hòa Cường (Đà Nẵng) do HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Cường đầu tư và quản lý. Hay, nhiều HTX đang phát huy hiệu quả trong đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác nhiều chợ truyền thống ở các tỉnh, thành như HTX đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An (Bắc Giang), HTX thương mại dịch vụ Tân Kiểng (TP.HCM)…
Sự tham gia của các HTX vào đầu tư, quản lý chợ nông thôn đã góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến hết tháng 6/2023, cả nước có 7.813/8.177 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm 95,5% số xã trên cả nước). Việc các HTX đầu tư chợ theo tiêu chí nông thôn mới đã tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, tạo điều kiện cho nông dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, dù trong điều kiện các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và hình thức mua sắm online phát triển làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các chợ truyền thống nhưng các mô hình này vẫn được đánh giá là đang cạnh tranh trực tiếp với các kênh phân phối hiện đại. Cụ thể là lượng hàng hóa bình quân lưu thông qua các chợ truyền thống vẫn chiếm 35-40%, trong khi hàng hóa lưu thông qua hệ thống phân phối hiện đại là khoảng 20-25%.
Tuy nhiên, theo các HTX quản lý chợ, quá trình đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cho các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Ngọc Phát, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ Tân Kiểng, cho rằng so với những công trình xây dựng khác thì chợ truyền thống được đánh giá có quy mô nhỏ, sinh lợi ít nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Ngược lại, với HTX thì đầu tư vào chợ là cách giúp mô hình kinh tế tập thể đa dạng dịch vụ nhưng nguồn vốn đầu tư lại là trở ngại với không ít HTX. Bởi, để xây một chợ bảo đảm các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, HTX cần trung bình nguồn vốn khoảng 40 tỷ đồng. Con số này là khá lớn nên việc huy động vốn từ các thành viên tương đối khó.
Ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng Giám đốc HTX chợ Hải An, cho biết mỗi tỉnh, thành, địa phương sẽ có những chính sách về phát triển chợ theo hướng an toàn thực phẩm khác nhau. Điều này không tạo được thống nhất nên gây khó khăn cho các HTX, nhất là những HTX đầu tư xây dựng và quản lý chợ ở nhiều tỉnh thành.
Giúp HTX “khoác áo mới” cho chợ
So sánh giữa HTX với doanh nghiệp đầu tư và quản lý chợ cho thấy các HTX vẫn có những ưu điểm nhất định. Bởi, khi HTX kiểu mới quản lý chợ sẽ thu hút phần lớn thành viên chính là các thương nhân, tiểu thương. Trong khi mô hình HTX luôn đề cao lợi ích của thành viên nên hạn chế được xung đột, tranh cãi giữa người kinh doanh trong chợ và người quản lý chợ. Còn nếu là doanh nghiệp cổ phần quản lý chợ thì dù đầu tư xã hội hóa chợ cũng chỉ tập trung vào lợi ích của nhóm cổ đông không trực tiếp kinh doanh. Tuy nhiên, cổ đông lại có quyền tự quyết nên xảy ra tình trạng thâu tóm, chi phối chợ truyền thống, không bảo đảm được lợi ích của tiểu thương, người kinh doanh trong chợ.
Theo các chuyên gia, chợ truyền thống vẫn duy trì lưu thông một lượng lớn hàng hóa nên cần quan tâm đúng mức cho HTX trong tổ chức, nâng cấp lại chợ nhằm tạo môi trường kinh doanh, buôn bán phù hợp.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho rằng hiện nay, Nghị quyết số 973 năm 2020 của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào chợ đầu mối và chợ dân sinh. Tuy nhiên, để ngân sách đến được với các chủ đầu tư là một quá trình dài. Chính vì vậy, ngoài sự chủ động của các HTX thì trước tiên các địa phương cần đi trước trong việc xây dựng ngân sách đầu tư cơ bản để tạo thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp trong việc đầu tư, quản lý, vận hành chợ.
Hiện nay, nhiều HTX đầu tư cải tạo, xây mới chợ nhưng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chờ giao đất, xác định các khoản chậm nộp ngân sách… Điều này khiến nhiều địa phương gặp khó trong hoàn thiện tiêu chí về hạ tầng thương mại, trong đó có chợ, nhất là các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thực tế cho thấy, việc thu hút HTX vào xã hội hóa chợ còn khiêm tốn và khó khăn khiến tốc độ cải tạo, xây dựng lại chợ truyền thống ở nhiều địa phương dậm chân tại chỗ. Hiện, cả nước có khoảng 9.000 chợ thì vẫn có đến 70-80% là chợ loại 3. Nguyên nhân là do nguồn vốn HTX phải bỏ ra để đầu tư chợ thì lớn nhưng thu lại ít do tiểu thương ở nhiều chợ chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, cơ chế chính sách lại khó khăn. Nhiều chợ dù đầu tư mới xong nhưng buôn bán ế ẩm do phải cạnh tranh trực tiếp với hình thức buôn bán hiện đại và chọn vị trí xây dựng chưa phù hợp.
Ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc HTX Thống Nhất đang quản lý chợ Phùng Khoang (Hà Nội) cho biết, nhiều người lựa chọn chợ truyền thống vì giá bán và giá thuê cửa hàng thấp hơn, mặt hàng cũng phong phú hơn. Chính vì vậy, trong quá trình đầu tư, xây dựng dịch vụ, các HTX cũng cần quan tâm điều này để bảo đảm lượng khách cũng như người thuê quầy hàng.
Các HTX quản lý chợ cũng cần đẩy mạnh việc kết nạp tiểu thương, thương nhân làm thành viên, đồng thời thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho chính thương nhân, tiểu thương trong chợ để đẩy mạnh yếu tố an toàn, quản lý theo chuỗi, từ đó bình ổn được giá cả, nâng cao tính hiệu quả của mô hình chợ truyền thống.