Xây nhà, mua đất, tậu ô tô… nhờ cây nhãn da bò
Ông Phạm Văn Lơ (Út Lơ, SN 1968, ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chia sẻ, ông đã gắn bó với cây nhãn khoảng 26 năm, từ thành công với cây nhãn Da Bò, rồi thất bại cũng chính với cây nhãn Da Bò, cho đến ổn định với cây nhãn Ido ngày hôm nay.
Ông Út Lơ nhớ lại, vào những năm trước năm 1997, ở ấp Nhơn Phú 1 nói riêng, vùng Phong Điền nói chung bà con chủ yếu trồng Cam sành và các loại cây có múi, nhưng thường xuyên bị sâu bệnh nên thu nhập không cao, đời sống bà con rất khó khăn.
Năm 1997 ông và một số hộ dân được Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cho đi Vĩnh Long tham quan mô hình trồng nhãn Da bò. Thấy bà con nông dân trồng nhãn Da bò thu nhập cao, nên về ông mạnh dạn cải tạo 1ha vườn cam, chanh không hiệu quả để trồng nhãn Da bò. Đồng thời, để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, ngày công lao động, ông và 19 hộ dân khác trong ấp đã thống nhất thành lập Câu lạc bộ trồng nhãn Da bò, ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB).
“Những năm đó khó khăn lắm, dù bà con ai cũng nhiều đất vườn nhưng trồng cây trái không hiệu quả nên không có tiền thuê nhân công. Mục đích của việc thành lập CLB là hỗ trợ kỹ thuật và ngày công lao động cho nhau. 20 thành viên tập trung làm cho 1 hộ trong vòng 3 ngày là xong công việc. Cứ thế xoay vòng từ hộ này sang hộ khác nên CLB hoạt động rất hiệu quả, các thành viên đoàn kết hỗ trợ nhau”- Ông Út Lơ kể lại.
Sau 3 năm trồng nhãn da bò cũng bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên vô cùng phấn khởi. Nhãn cho trái vụ đầu khoảng từ 8-10 tấn/ha, nhưng giá nhãn da bò thời đó cao ngất ngưỡng, đến 30.000 đồng/kg.
“Lúc đó nhãn da bò giá cao mắc ham lắm, 30.000 đồng/kg. Trong khi đó giá vàng chỉ tầm khoảng 400.000 đồng/chỉ vàng. Tui bán 1 cần xé nhãn là mua được 1 chỉ vàng. Cứ thế từ năm 2001 đến 2011 tui và các thành viên trong CLB xây nhà tường, mua đất, tậu ô tô… nhờ vào cây nhãn Da bò”- ông Út Lơ vui vẻ nhớ lại thời hoàng kim của CLB nhờ cây nhãn da bò.
Tuy nhiên, đến năm 2012 bệnh chổi rồng trên cây nhãn xuất hiện và lan rộng ra cả nước, mặc dù đã áp dụng mọi kỹ thuật tích lũy, cùng sự hỗ trợ của các Giáo sư, Tiến sĩ của Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam… nhưng vẫn không cứu được cây nhãn Da bò.
Có thể xử lý cho nhãn ra trái bất cứ tháng nào trong năm
Năm 2014 thêm một lần nữa Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa đưa đoàn nông dân xã đi Vĩnh Long để tìm cây giống mới. Cuối cùng cơ duyên của ông Út Lơ và CLB vẫn gắn liền với cây nhãn, nhưng lần này là giống nhãn Ido – giống nhãn sừng sững cho hoa, cho trái giữa “đại dịch bệnh chổi rồng” trên cây nhãn Da bò. Thế là cuối năm 2014 ông và các thành viên CLB một lần nữa quyết định đốn hàng chục ha nhãn Da bò được xem là “cây tài sản” của mình để trồng lại giống nhãn Ido.