Để phát triển theo chiều sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh, các HTX phải dựa trên cơ sở tăng cường áp dụng khoa học công nghệ. Trong đó, việc đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) là yêu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay.
Ngoài nhu cầu về nguồn nhân lực kế toán, cán bộ tổ nông nghiệp thì nhân viên, trưởng bộ phận R&D cũng đang được HTX Sinh Dược (Ninh Bình) tìm kiếm nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Đầu tư còn gián đoạn
Thực tế, vấn đề nghiên cứu và phát triển sản phẩm và dịch vụ đã được những người đứng đầu HTX Sinh Dược quan tâm. Nhờ thế, HTX luôn đổi mới, có đa dạng sản phẩm độc đáo, sản xuất theo công nghệ phù hợp nhằm cạnh tranh bền vững trên thị trường và đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn.
Còn tại Lâm Đồng, HTX Bò sữa Đơn Dương đã có đội ngũ kỹ thuật cùng phòng Lab để nghiên cứu, phân tích các thành phần trong sữa bò nhằm phục vụ cho quy trình sản xuất khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn mà phía doanh nghiệp liên kết theo hợp đồng.
Có thể thấy, đã có những HTX đầu tư cho hoạt động R&D, từ đó giúp tăng cường năng lực công nghệ, tăng vị thế và giúp HTX tăng trưởng, phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, những HTX quan tâm và đầu tư cho R&D như HTX Sinh Dược, HTX Bò sữa Đơn Dương chưa nhiều. Đa số HTX sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm ra thị trường vẫn theo kinh nghiệm, “bản năng”, chưa có kế hoạch cụ thể trong từng bước. Hoặc đã có HTX đầu tư cho R&D nhưng mới chỉ dừng lại ở một khâu nào đó nên chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Bà Trương Thị Luận, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số – Đại học Tây Bắc, cho biết có nhiều thành viên HTX tự nghiên cứu, tự sáng tạo, tự phát triển sản phẩm và thị trường, dịch vụ, thậm chí tự nghiên cứu ra máy móc để cho những sản phẩm độc đáo, nâng cấp quy trình. Nhưng do thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu nguồn vốn… nên những đổi mới này chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Cũng có những nghiên cứu và phát triển của HTX hiện nay là do liên kết với các dự án, các tổ chức nên có thể việc ứng dụng công nghệ, máy móc, kỹ thuật chỉ dừng ở một lĩnh vực, một sản phẩm nào đó và trong một thời gian nhất định.
Chẳng hạn như một HTX ở Thuận Châu (Sơn La) đã được các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện phối hợp, hỗ trợ trong khâu nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật làm dấm táo mèo lên men tự nhiên. Điều này cho thấy, khi chính quyền, nhà khoa học, chuyên gia… vào cuộc, HTX sẽ có những bước đi nhất định trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở bước sản xuất, còn các bước tiếp theo như bao bì, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng dịch vụ, ngành hàng… cũng cần phải có yếu tố R&D thì mới tạo thành chuỗi hoàn chỉnh và mang lại hiệu quả cao cho HTX.
Theo bà Luận, HTX cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn khó khăn nhất định nên chưa tập trung nhiều vào vấn đề R&D. Trong đó, nhiều HTX vẫn chỉ tập trung vào khâu sản xuất canh tác, chưa có điều kiện phát triển sang công đoạn sơ chế, chế biến, phân phối nên hoạt động R&D vẫn diễn ra một cách riêng lẻ mà chưa mang tính hệ thống.
Trong khi đó, các khâu như sơ chế, chế biến… lại mang lại giá trị gia tăng tới 30-40% cho HTX nên rất cần đầu tư cho R&D. Vì thế, nếu không đầu tư cho R&D, HTX khó có thể phát triển và tham gia chuỗi giá trị gia tăng, xuất khẩu sản phẩm.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, tỷ lệ áp dụng R&D đối với các HTX, làng nghề trong ngành thủ công mỹ nghệ vẫn ở mức thấp. Vì vậy nên mẫu mã sản phẩm không có nhiều đổi mới, sáng tạo bởi thiếu vắng những thiết kế chuyên nghiệp.
Điều này có thể do HTX còn thiếu tính sáng tạo, thiếu thông tin về khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Có HTX thiếu thông tin về thị trường hoặc do nguồn nhân lực hạn chế nên khó kiểm soát chi phí, từ đó gặp hạn chế cho đầu tư vào R&D. Để đầu tư cho R&D bài bản, HTX cần phải có nguồn vốn khá lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại quá dài.
Ông Hứa Văn Hướng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đà Vị (Tuyên Quang) cho biết, bún khô của HTX mặc dù được thị trường quan tâm nhưng để có thêm các sản phẩm khác, đổi mới trong khâu chế biến có được thị trường đón nhận hay không thì cần có sự nghiên cứu bài bản, cần thuê người có chuyên môn. Bên cạnh đó, để đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất liên tục theo quy trình hiện đại, HTX cần phải có vốn lớn. Những vấn đề này, HTX chưa thể đủ sức để tự làm.
Hóa giải khó khăn về công nghệ
Có thể thấy, nông nghiệp vốn là lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực lớn trong các HTX. Và nông nghiệp, HTX cũng được coi là những thành tố quan trọng của nền kinh tế đất nước. Vấn đề đặt ra là làm sao để các HTX trong lĩnh vực này quan tâm và đầu tư cho đổi mới công nghệ nhiều hơn nhằm tránh tình trạng người dân, HTX phải tốn thêm nhiều chi phí trong sử dụng các vật tư đầu vào như phân, giống, máy móc… từ nước ngoài?
Ông Ngô Đức Thọ, Cố vấn canh nông tại CTCP Nông nghiệp sạch (Hà Nội) cho biết, dù làm bất kỳ ngành nghề nào, kể cả là trong nông nghiệp thì vấn đề đầu tư cho R&D đều rất quan trọng.
Ông Thọ lấy ví dụ về vấn đề này: Hiện nay, măng trúc ở núi Quan Âm (Đài Loan) được coi là ngon nhất thế giới, một phần từ điều kiện tự nhiên và một phần là do người dân ở đây đầu tư nghiên cứu rất kỹ về sản phẩm để từ đó rút ra các nguyên tắc trong thu hoạch và chế biến. Đó là phải đào măng từ khi chưa nhú lên khỏi mặt đất. Ngay khi thấy đất nứt là họ bới đất và cắt măng vì nếu măng chui lên khỏi mặt đất sẽ bị đắng. Cùng với đó, việc rửa măng và làm sạch cũng được thực hiện trong 2 giờ đầu cắt măng với nhiệt độ nước là 2 độ C, sau đó cũng bảo quản ở 2 độ C. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu rất kỹ về vấn phát triển giống, tiếp thị, ngay cả trong việc làm các hình ảnh biểu tượng để đưa sản phẩm măng làm du lịch cũng được quan tâm…
Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng nhất hiện nay đối với các HTX chính là công nghệ, quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều HTX chưa thể tự đầu tư nhưng cũng chưa thể liên kết được với các đơn vị nghiên cứu để giải quyết khó khăn.
Ngay như các HTX trồng hoa lan ở TPHCM hiện có nhu cầu rất lớn trong mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng lại gặp khó khăn trong nhập khẩu giống vì chưa được bảo hộ. Tuy nhiên, khi các HTX liên kết với ngành nông nghiệp, các trường, viện để giải quyết vấn đề giống thì các đơn vị lại yếu trong cung cấp giống hoa lan cấy mô. Do đó, các HTX không thể mở rộng sản xuất.
Vì vậy, cần xây dựng và vận hành tốt hệ thống đổi mới sáng tạo và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các HTX, doanh nghiệp, trường, viện nhằm giải quyết những nút thắt hiện nay trong nghiên cứu và phát triển ở lĩnh vực nông nghiệp, từ đó mới có thể giúp các HTX đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, mỗi HTX thay vì đầu tư một khoản nhỏ cho R&D thì có thể liên kết cùng nhau để xây dựng các quỹ đầu tư cho khoa học, công nghệ. Theo đó, mỗi HTX sẽ lần lượt sử dụng quỹ để đầu tư tập trung cho R&D, đồng thời hỗ trợ nhau để tìm ra phương án ứng dụng công nghệ phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn.