Cùng với chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của thành phố, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở TP Cần Thơ đã tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn vào sản xuất, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, với giá trị kinh tế cao, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho thành viên vào HTX.
Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, hiện thành phố có 167 HTX nông nghiệp, với gần 3.100 thành viên, có tổng vốn điều lệ trên 161 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều HTX thực hiện tốt các dịch vụ cung ứng các vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho thành viên; đồng thời, xây dựng được vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hoặc đạt tiêu chuẩn chuẩn xuất khẩu, có năng lực bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, giúp gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên vào HTX. Qua đó, có nhiều HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, qua đó giúp nông dân an tâm sản xuất, bởi đảm bảo được đầu ra sản phẩm, với giá cả phù hợp. Ước tính mỗi năm thành phố có từ 40-47 HTX nông nghiệp liên kết với các công ty, doanh nghiệp, tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn lúa các loại và có trên 1.200ha diện tích cây ăn trái của các HTX được ký hợp đồng bao tiêu, với nhiều loại nông sản như xoài, vú sữa, sầu riêng… được xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Úc và Trung Quốc.
Hiện nhiều HTX nông nghiệp ở TP Cần Thơ đã phát huy được vai trò điều tiết, hướng dẫn nhà nông sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn; đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nhà nông. Tiêu biểu như HTX Hiệp Mỹ Phát và HTX nông nghiệp Tiến Dũng ở huyện Cờ Ðỏ, liên kết doanh nghiệp, bao tiêu trên 620ha lúa cho thành viên; HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, hỗ trợ thành viên nuôi cá tra trên cơ sở hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, đảm bảo đầu ra sản phẩm và thu nhập cho thành viên. Cùng với đó, có nhiều HTX chuyên canh cây ăn trái đã xây dựng được sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, có mã truy xuất nguồn gốc… đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tiêu biểu có HTX nông nghiệp Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, đã tạo được mạng lưới kết nối cho 60 thành viên và hàng trăm nhà vườn ở địa phương làm tốt quy trình canh tác nhãn IDO và thanh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, điều tiết sản lượng thu hoạch theo hướng luân phiên, tính từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, giúp đảm bảo đầu ra trái cây cho hơn 465ha. Ước tính, bình quân mỗi ngày HTX thu hoạch từ 2-4 tấn trái nhãn các loại, đảm bảo cung ứng sản lượng theo yêu cầu cho các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài thành phố. Nhờ đó, đã giúp HTX tránh được tình trạng “dội chợ”, góp phần gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn vào HTX.
Với sự trợ lực từ ngành chức năng thành phố, nhiều HTX nông nghiệp đã hoạt động có lãi, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên. Song đa phần các HTX nông nghiệp thường gặp khó trong sản xuất kinh doanh, do có quy mô nhỏ, vốn tích lũy đầu tư phát triển thấp, chưa có phương án kinh doanh khả thi, nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển. Thêm vào đó, sản phẩm chưa có thương hiệu, sản lượng không đủ lớn để cung ứng thường xuyên cho hệ thống các siêu thị cũng như yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu… Chia sẻ về những khó khăn của HTX trong quá trình hoạt động, ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, nói: Hiện HTX có 220ha, chuyên canh các giống lúa Ðài Thơm 8 và Jasmine 85 theo hướng chất lượng cao và phần lớn đều được các doanh nghiệp, đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ. Ðặc biệt, sau vụ lúa đông xuân năm 2022-2023, HTX đã phát triển thêm nhiều mối liên kết với các đối tác, nên mong muốn mở rộng vùng sản xuất lúa, từ 220ha lên 270ha… Song với năng lực hiện tại HTX không đủ vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kho bãi cũng như ứng dụng các trang thiết bị, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Do vậy, HTX kiến nghị ngành chức năng thành phố hướng dẫn, hỗ trợ cho HTX được tiếp cận các chương trình, nguồn vốn ưu đãi, để đầu tư xây dựng nhà kho bảo quản nông sản cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Từ đó, giúp HTX gia tăng năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh thị trường, đáp ứng nhu cầu của các đối tác, doanh nghiệp liên kết
với HTX.
Ðể các HTX nông nghiệp phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương, ông Nguyễn Văn Sử, cho biết: Sở NN&PTNT thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế hợp tác. Ðồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử… Cùng với đó, tạo mọi điều kiện để các HTX gặp gỡ, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.