TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, đã thu hút nhiều HTX tham gia OCOP và có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao hoặc 4 sao, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, gia tăng hiệu quả kinh doanh và thu nhập cho thành viên vào HTX.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cùng với công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể và HTX tham gia OCOP, Sở NN&PTNT còn phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố và các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất cho sản phẩm OCOP… Từ đó giúp cho các chủ thể cũng như HTX tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, với hình thức bao bì đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Cùng với đó, nhiều HTX có sản phẩm OCOP còn được hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như tiki,voso, mekong Expo, Posmart; tham gia quảng bá, trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội chợ, như hội chợ kết nối mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam – Thái Lan – Kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương; ngày hội du lịch văn hóa Chợ nổi Cái Răng lần thứ VII năm 2023… Qua đó tạo điều kiện cho các HTX có sản phẩm OCOP có thể kết nối giao thương với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài thành phố để mở rộng hợp tác và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thành phố có 164 HTX nông nghiệp và đã có 11 HTX, với 12 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao hoặc 4 sao, góp phần gia tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm, nông sản trên thị trường. Nổi bật đáng kể có HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa, (HTX Giọt Phù Sa), huyện Phong Điền, là một trong số những HTX có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ông Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX Giọt Phù Sa, chia sẻ: HTX được thành lập vào năm 2019, chủ yếu là sản xuất nấm đông trùng hạ thảo theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp chế biến sâu và cho ra thị trường nhiều sản phẩm đạt chất lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người dùng. Không chỉ chú trọng đầu tư cho chất lượng, HTX còn quan tâm làm thương hiệu, trang bị máy đóng gói bao bì, thiết kế các mẫu hộp đựng sản phẩm với hình ảnh đặc trưng, có in logo nổi bật và có mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên đã tạo được ưu thế cho các sản phẩm mang thương hiệu Giọt Phù Sa trên thị trường. Nhờ có sự đầu tư bài bản, từ khâu sản xuất đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, nên sản phẩm sợi nấm đông trùng hạ thảo sấy khô của HTX đã được Hội đồng OCOP thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2022. Điều này đã giúp HTX ngày càng khẳng định được giá trị thương hiệu sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, nhất là các đại lý có hợp đồng liên kết với HTX. Hiện các sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX như sợi nấm đông trùng hạ thảo sấy khô hoặc được tinh chế dạng bột, trà túi lọc, rượu… được phân phối bán rộng rãi ở nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, giúp HTX nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo đầu ra và thu nhập của thành viên cũng như các hộ sản xuất có liên kết với HTX.
Thành phố có khá nhiều HTX nông nghiệp tham gia OCOP và có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như sản phẩm thanh nhãn Lê Gia của HTX dịch vụ nông nghiệp, huyện Cờ Đỏ; nhãn Ido Tân Lộc của HTX trái cây Tân Lộc, quận Thốt Nốt; thanh nhãn Tín Huy của HTX Thuận Phát, huyện Thới Lai… góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương. Song, việc phát triển sản phẩm OCOP ở các HTX trên địa bàn thành phố còn ít so với với tiềm năng hiện có. Hiện toàn thành phố có 164 HTX nông nghiệp, nhưng chỉ có 11 HTX, với 12 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao. Nguyên nhân có ít HTX tham gia OCOP chủ yếu là do thiếu các nguồn lực hỗ trợ về vốn đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại… vào sản xuất để nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Cùng đó, nhiều chủ thể cũng như HTX chưa chủ động tạo được vùng nguyên liệu, công nghệ sản xuất, chế biến dẫn đến nhiều sản phẩm chưa đạt các yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng cũng như tiêu chí của OCOP, nên hạn chế thị trường tiêu thụ…
Để thúc đẩy các HTX nông nghiệp tham gia phát triển sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan và các địa phương đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển sản phẩm OCOP, phù hợp với điều kiện, lợi thế của các địa phương về nguồn nguyên liệu và lao động địa phương. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ các chủ thể và HTX tiếp cận nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm, có quy mô phù hợp với điều kiện sản xuất hiện có của từng mô hình HTX; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, kết hợp xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm… đáp ứng theo các tiêu chí và điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ cán bộ quản lý HTX, các chủ hộ tham gia OCOP, tham gia các lớp đào tạo chuyên môn về quản lý sản xuất kinh doanh, gắn với yêu cầu chuyển đổi số; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ HTX có sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP… Từ đó, giúp cho các HTX dễ dàng tiếp cận và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, tăng cường đầu tư cho sản xuất để nâng chất và nâng tầm giá trị cho sản phẩm OCOP trên thị trường.