Sau khi Ấn Ðộ và một số quốc gia có chính sách hạn chế xuất khẩu khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng, tạo điều kiện cho giá lúa gạo trong nước nhích lên trong những tuần qua. Hoạt động thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL cũng diễn ra sôi động. Bên cạnh thu mua lúa hàng hóa vụ hè thu, tiểu thương và doanh nghiệp tìm đến tận ruộng của nông dân để đặt hàng mua lúa vụ thu đông 2023 từ khá sớm khi lúa mới bắt đầu làm đòng và trổ…
Lúa tăng giá mạnh
Vụ hè thu 2023, ông Tô Thành Mông ngụ ấp Ðông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai có 29 công lúa sạ giống OM 5441. Hiện lúa đã được 50 ngày tuổi và đang bước vào giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ. Lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và hiện đã có thương lái đặt tiền cọc mua lúa nên ông có phần an tâm về đầu ra, tập trung chăm sóc để lúa đạt năng suất cao.
Ông Mông cho biết: “Cách nay hơn 1 tuần, gia đình tôi đã nhận tiền cọc 300.000 đồng/công để chốt giá bán lúa tươi ở mức 6.800 đồng/kg. Dù dự đoán giá lúa có thể còn tăng nhưng tôi thấy mức giá này đã cao hơn 1.000 đồng/kg so với vụ thu đông năm trước, đảm bảo có thể kiếm lời và tôi cũng lo thị trường có những biến động khó đoán nên quyết định bán lúa. Tôi rất mong đến thời điểm thu hoạch, giá lúa tiếp tục tăng và bình ổn ở mức cao để thuận lợi tiêu thụ. Bởi mức tiền thương lái đặt cọc không nhiều và thời gian qua có tình trạng khi bước vào các vụ thu hoạch, nếu thấy giá lúa bị giảm mạnh, thương lái hạ giá thu mua xuống, còn không họ sẵn sàng bỏ tiền cọc chứ không chịu mua lúa như giá đã thỏa thuận ban đầu”. Anh Lê Văn Ðen ngụ khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Vụ thu đông 2023, 14 công lúa của tôi sạ giống OM 5451, lúa đã trổ đều và bước vào giai đoạn chắc xanh, dự kiến hơn 2 tuần nữa lúa bước vào thu hoạch. Cách nay khoảng 10 ngày trước, ruộng lúa của tôi đã có thương lái đến ngỏ ý đặt tiền cọc mua lúa và tôi đã nhận tiền cọc thỏa thuận tới lúc thu hoạch sẽ bán lúa tươi tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn khoảng 1.200 đồng/kg so với vụ thu đông 2022. Với giá bán như trên và năng suất lúa đạt khoảng 800kg/công, tôi ước tính vụ này có thể kiếm lời trên 2 triệu đồng/công”.
Thời điểm này, lúa hè thu 2023 vẫn còn đang trong giai đoạn lúa chín và thu hoạch tại nhiều tỉnh vùng ÐBSCL. Riêng tại TP Cần Thơ, do nông dân gieo sạ sớm nên lúa hè thu đã được thu hoạch dứt điểm từ tháng 7-2023. Nông dân đang tập trung cho vụ lúa thu đông 2023. Các trà lúa thu đông trên địa bàn thành phố chủ yếu trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, làm đòng, trổ và chắc xanh. Nhìn chung, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Dù lúa chưa bước vào thu hoạch nhưng đã có nhiều thương lái và doanh nghiệp đặt cọc mua lúa từ rất sớm, với mức giá cao hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Các giống lúa OM 5451 và OM 18 vụ thu đông 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ đã được nhiều thương lái đặt cọc mua lúa tươi của nông dân với giá từ 6.800-7.200 đồng/kg. Trong khi đó, lúa tươi OM 5451, OM 18 và Ðài thơm 8 vụ hè thu 2023 đang được nông dân tại nhiều tỉnh vùng ÐBSCL bán cho thương lái ở mức từ 7.100-7.600 đồng/kg, lúa Nhật ở mức 7.800-8.000 đồng/kg.
Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi
Vụ lúa thu đông 2023, TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống gieo trồng 60.327ha lúa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đến ngày 2-8-2023, diện tích xuống giống gieo trồng lúa thu đông trên địa bàn thành phố đã được 64.894ha, đạt 108% so với
kế hoạch.
Với tình hình lúa đang sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và giá lúa đang ở mức cao, sản xuất lúa vụ thu đông 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ đang có nhiều tiền đề thuận lợi để hướng đến một vụ mùa bội thu. Ðặc biệt, sản xuất lúa thu đông năm nay cũng được dự báo có thuận lợi nhờ lũ ở mức thấp so với mọi năm và tại địa phương cũng đã có hệ thống thủy lợi khá tốt, đảm bảo chủ động nước tưới tiêu. Ðồng thời, ngành chức năng hướng dẫn nông dân chủ động xuống giống sớm để né lũ và phát triển sản xuất lúa thu đông ở những vùng có đê bao đảm bảo ăn chắc. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ thu đông rơi vào các tháng mùa mưa bão và lũ, trong tình hình thời tiết, thiên tai và nhiều loại dịch hại còn có những diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do vậy nông dân không được chủ quan.
Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt các trà lúa thu đông, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương quan tâm hướng dẫn, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên. Chú ý theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa và ứng phó kịp thời. Chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thương lái trong tiêu thụ lúa và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc để thu hoạch, tiêu thụ lúa kịp thời. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian vừa qua, sản xuất lúa thu đông ở Cần Thơ chưa có ảnh hưởng gì lớn do thời tiết và mưa bão. Tuy nhiên, nông dân cần cảnh giác bởi điều kiện hiện nay thời tiết hết sức cực đoan, đồng thời cần chú ý đến khả năng xuất hiện và gây hại cho lúa của bệnh đạo ôn và một số loại dịch hại ở giai đoạn lúa làm đòng và trổ, nhất là trong điều kiện thời tiết có mưa nhiều. Ngành Nông nghiệp thành phố cũng tiếp tục hướng dẫn bà con thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông. Khuyến cáo nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo ra hạt lúa đảm bảo chất lượng, an toàn để xây dựng thương hiệu hạt gạo uy tín. Tăng cường liên kết, gắn kết tốt với doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm…