Tận dụng lợi thế ở ven rừng Cúc Phương – nơi có hệ sinh thái đa dạng, một HTX ở tỉnh Ninh Bình đang nuôi khoảng 3.300 đàn ong, mỗi năm cung ứng gần 50.000 lít mật ra thị trường. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên, đưa mô hình kinh tế tập thể ngày một lớn mạnh, bền vững.
Rừng quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) được biết đến là khu rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với thảm thực vật vô cùng phong phú. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, người dân xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật và đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ nghề nuôi ong lấy mật, người dân dần ổn định cuộc sống, góp phần đưa “tiếng thơm” của sản vật quê hương bay xa.
Ong “rót” mật giúp người dân làm giàu
Trước đây, hoạt động nuôi ong và thu hoạch mật chủ yếu được tiến hành với quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát trong từng hộ dân. Do đó, trong giai đoạn đầu phát triển nghề, hiệu quả kinh tế đem lại còn chưa cao.
Trước thực trạng đó, tháng 4/2021, HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương (thôn Nga 3, xã Cúc Phương) đã được thành lập với 42 thành viên. Nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các hộ nuôi ong đã liên kết với nhau nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nữa nghề nuôi ong lấy mật.
Trao đổi với VnBusiness, Giám đốc Bùi Văn Thuận cho biết, HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương hoạt động trên cơ sở các thành viên tự nguyện cùng góp vốn, góp sức, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Tuy mới thành lập hơn 2 năm, nhưng các hoạt động của HTX đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, trung bình HTX thu hoạch gần 50.000 lít mật mỗi năm, ước tính doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.
“Mỗi hộ có thể nuôi từ 50 – 70 đàn ong, hộ nuôi nhiều có thể lên đến 100 đàn. Năm nay, quy mô nuôi ong của HTX đã đạt khoảng 3.300 đàn, tăng gần 1.000 đàn so với năm ngoái. Trong một năm, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ có thể khai thác mật tới 12 lần. Bình quân mỗi đàn ong cho thu hoạch từ 13 – 14 lít mật/năm”, ông Thuận cho hay.
Theo đó, giá bán mật ong chưa chiết khấu khoảng 380.000 đồng/lít, sau khi chiết khấu còn khoảng 290.000 đồng/lít. Các sản phẩm của HTX chủ yếu vẫn tiêu thụ theo cách thức truyền thống là bán trực tiếp cho khách quen hoặc liên kết với thương lái để bán với số lượng lớn.
Bên cạnh mật ong rừng truyền thống, một số sản phẩm tiêu biểu khác của HTX được người tiêu dùng trên thị trường tích cực đón nhận có thể kể đến như tỏi đen ngâm mật ong và hoa đu đủ ngâm mật ong. Ngoài ra, mật ong Cúc Phương cũng được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp như mặt nạ, kem dưỡng da, tinh dầu,…
Tinh hoa núi rừng Cố đô
Nhờ đặc thù vị trí địa lý nằm trên vùng núi huyện Nho Quan mà ong của HTX được nuôi xen kẽ trong môi trường rừng nguyên sinh Cúc Phương, vì vậy nguồn thức ăn tự nhiên cho ong luôn dồi dào. Đây cũng chính là điều làm nên sự khác biệt về chất lượng mật so với nhiều địa phương khác.
Ông Đinh Quang Phú, chủ hộ nuôi ong ở xã Cúc Phương chia sẻ: “Nhờ thiên nhiên ưu đãi, nguồn hoa dồi dào mà việc nuôi ong trên rừng Cúc Phương vô cùng thuận lợi. Năm ngoái, tôi nuôi 37 đàn, đến nay đã phát triển lên gần 50 đàn”.
Mật ong của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và vượt qua nhiều cuộc kiểm định về chất lượng. Theo Giám đốc Bùi Văn Thuận, tỷ lệ tổng hợp axit amin trong mật ong của HTX vượt trội hơn hẳn so với mật ong ở một số địa phương khác. Đồng thời, hợp chất vi lượng trong mật ong cũng đa dạng hơn.
Nhờ đó, mật ong Cúc Phương có hương vị thơm ngon đặc trưng cùng màu sắc đậm đà, bắt mắt. Đây được xem là một trong những loại mật ong tốt nhất tại Việt Nam với nhiều giá trị dinh dưỡng cùng tác dụng lành mạnh cho sức khỏe người sử dụng.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt của mật ong so với các nông sản khác là hoạt động thu hoạch không được tính theo vụ cố định, mà phụ thuộc vào các mùa hoa rừng được thiên nhiên ưu ái, được ví như “lộc trời” trong năm.
Cụ thể, quy trình khai thác mật chủ yếu diễn ra từ cuối tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, khoảng thời gian này có thể thu hoạch mật tới 10 lần. Còn từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau, ong cho mật kém năng suất hơn.
“Vào mùa Đông, khi qua tháng 11 có thể lấy được từ 1 – 2 lần mật, năm nào thời tiết ủng hộ, không bị rét đậm, rét hại thì có thể lấy được 3 lần. Những tháng trái mùa hoa, do ngoài thiên nhiên khan hiếm thức ăn tự nhiên, nên người nuôi sẽ cho ong ăn bổ sung đường và phấn hoa để duy trì đàn”, ông Phú tiết lộ.
Khoảng thời gian mới thành lập HTX, các hộ thành viên chủ yếu vẫn nuôi ong theo phương pháp truyền thống. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, bên cạnh những hỗ trợ về thành lập HTX, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình còn hỗ trợ các thành viên sản xuất mật theo quy trình khép kín. Qua đó, giúp gia tăng số hộ nuôi ong, gia tăng năng suất mật và nguồn thu nhập cho thành viên.
“Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ HTX đưa vào sử dụng máy tách thủy phần. Giá trị chiếc máy khoảng hơn 300 triệu đồng thì HTX được Liên minh hỗ trợ 200 triệu đồng. Đây là thiết bị giúp cải thiện đáng kể chất lượng mật ong khi giảm lượng thủy phần xuống mức thấp, giúp mật thơm ngon, đặc sánh hơn nhiều lần so với thông thường”, Giám đốc Bùi Văn Thuận thông tin.
Cụ thể, mật sau khi quay xong sẽ được cho vào máy tách thủy phần. Cách thức hoạt động của máy là giúp chiết xuất bớt lượng nước và chỉ giữ lại thành phần mật. Các hộ thành viên cho biết từ ngày đưa máy vào hoạt động, nhiều đơn vị đã đặt vấn đề thu mua ổn định với số lượng lớn, mật ong tiêu thụ gia tăng đáng kể so với trước kia.
Ông Đinh Văn Bộ (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi nuôi 50 đàn ong, mật quay đến đâu là bán hết đến đấy. Nhiều người sau khi sử dụng thấy sản phẩm chất lượng lại tiếp tục giới thiệu cho người quen, bạn bè. Thậm chí có những khách ở các tỉnh xa như Hà Nội, Nghệ An cũng lặn lội tìm về tận vườn để đặt mua”.
Đau đáu “bài toán” chuyển đổi số
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động và đưa thương hiệu mật ong Cúc Phương tìm được chỗ đứng trên thị trường thì hiện nay, khó khăn lớn nhất HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương phải đối mặt là việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Giám đốc Bùi Văn Thuận, HTX gặp nhiều thách thức trong vấn đề thương mại khi đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường: “Do đặc thù thành viên tham gia HTX và trực tiếp nuôi ong đa phần đều là người cao tuổi nên rất khó áp dụng công nghệ trong những vấn đề như chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh rộng rãi, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thực hiện marketing… Tuy đã được địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhưng vẫn chưa thể thực hiện nhuần nhuyễn”.
Trước thực trạng trên, Ban lãnh đạo HTX đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường các hoạt động quản trị, nâng cao năng lực cán bộ. Đồng thời cố gắng tiếp cận với các kênh bán hàng thương mại điện tử để nhanh chóng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Song song với đó là gia tăng hoạt động mở rộng liên kết với các hộ nuôi ong địa phương và các huyện trên địa bàn tỉnh, tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, qua đó tìm kiếm cơ hội để đưa thương hiệu mật ong Cúc Phương đến với thị trường trong và ngoài nước.
“Có tiêu thụ được sản phẩm thì thương hiệu mới tồn tại, trang trại mới phát triển, hộ nuôi ong mới có thêm những đàn lớn. Do đặc thù sản phẩm nên để có thể khẳng định được chất lượng mật ong thì cần có chuyên môn cùng sự nghiên cứu, thử nghiệm mới có thể kết luận chính xác mật ong từ thiên nhiên 100%. Vì vậy, chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn làm sao để đại đa số người tiêu dùng có sự am hiểu hơn nữa về mật ong, từ đó chắc chắn họ sẽ tin tưởng và ủng hộ sản phẩm mật ong Cúc Phương”, Giám đốc Bùi Văn Thuận bày tỏ.