Nhờ hoạt động với mô hình khép kín cùng mục tiêu “đưa sản phẩm từ trang trại đến tận bàn ăn của người tiêu dùng”, HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng đã đạt hiệu quả cao khi vừa đạt doanh thu tiền tỷ mỗi năm, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, qua đó góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Vượt qua chặng đường hơn nửa thập kỷ phát triển, HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng đã và đang ngày càng lớn mạnh. Phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể khi liên kết với các hộ dân trong vùng, HTX giúp cuộc sống của những người nông dân nơi đây không chỉ còn trông chờ vào sào lúa, con trâu.
“Hồi sinh” từ những mảnh ruộng hoang
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Thiêm – Phó Giám đốc HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng cho biết, toàn bộ diện tích khoảng 10 ha mà HTX đang sử dụng để nuôi cá trước đây đều là ao đầm, đồng ruộng hoang hóa. Do sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nên người dân thường xuyên bỏ ruộng, không sản xuất, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Trước thực trạng đó, năm 2018, HTX Đại Áng được thành lập với 7 thành viên và tiến hành thuê đất của các hộ dân. Mọi công tác đào đắp, cải tạo sau đó đều phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành trước mùa mưa để kịp tích nước.
Thay vì nuôi cá như cách thức truyền thống, HTX đã lựa chọn áp dụng công nghệ cao, cụ thể là công nghệ “sông trong ao” có xuất xứ từ Mỹ. Số vốn đầu tư ban đầu được “rót” vào ao cá khi đó lên tới khoảng 10 tỷ đồng. Ngay từ thời điểm bắt đầu gây dựng mô hình, dù biết sẽ rất tốn kém và khó khăn nhưng ban lãnh đạo HTX vẫn quyết tâm đến cùng để mang mô hình hiện đại từ Mỹ về với vùng thôn quê.
Theo đó, khi sử dụng công nghệ này, ao sẽ được lắp đặt các máng nước với 2 đầu chặn bằng lưới. Các bể nuôi được thiết kế đặt nhiều máy thổi khí, máy bơm để tạo lực khiến dòng nước chảy cưỡng bức tuần hoàn, vì vậy mới có tên gọi “sông trong ao”. Bởi, về bản chất vốn dĩ ao có đặc điểm kín và không có dòng chảy thường xuyên giống như sông.
Thêm vào đó, nhờ công nghệ “sông trong ao”, bể nuôi sẽ có một lượng oxy lớn hơn nhiều so với mức bình thường. Từ đây có thể nuôi cá với mật độ lớn hơn, cho sản lượng cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống. Song song với đó, hệ thống xử lý nước thải hoạt động liên tục để diệt khuẩn và làm trong nước, loại bỏ hoàn toàn khí thải và các chất tồn dư trong ao.
Hiện, mỗi bể nuôi của HTX có diện tích khoảng 125m2, độ sâu 2m, tương đương 250 khối nước và có thể nuôi được khoảng 37,5 tấn cá. Trên 1ha ao sẽ lắp đặt được 3 “sông”, có thể nuôi tới hơn 100 tấn cá. HTX hiện có tổng cộng 15 “sông”.
Điểm đặc biệt của công nghệ này là giúp việc quản lý cá nuôi thuận lợi hơn ở tất cả các khâu, từ việc cho ăn, phòng trị bệnh đến lúc đánh bắt.
Ngoài ra, môi trường nước luôn duy trì tốc độ dòng chảy ổn định khiến cá liên tục phải bơi ngược dòng. Theo cách nói hóm hỉnh của ông Thiêm thì đàn cá được “tập thể dục” thường xuyên nên rất khỏe mạnh, thịt cá cũng trở nên săn chắc, thơm ngon hơn.
Cái khó... ló cái khôn
Hồi tưởng lại những ngày đầu, ông Thiêm không khỏi tự hào: “Tất cả anh em chúng tôi khi đó đều mang trong mình đam mê, nhiệt huyết với mục tiêu nuôi cá công nghệ cao, với việc làm giàu cho quê hương từ kinh tế thủy sản”.
Tuy nhiên, đam mê và nhiệt huyết thôi là chưa đủ khi khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Để thành công như ngày hôm nay, ban lãnh đạo HTX đã phải mạnh dạn, táo bạo vượt ra vòng an toàn để đưa HTX chuyển mình.
Theo đó, trong giai đoạn đầu khi mới thành lập vào năm 2018, HTX chỉ tập trung vào hoạt động nuôi cá, nhưng đại dịch Covid-19 ập đến.
Giãn cách xã hội trong khoảng thời gian dài khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng đã khiến việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Nuôi cá bao ngày đến lúc thu hoạch lại không thể bán ra thị trường, giai đoạn đó, ban lãnh đạo HTX “đứng ngồi không yên” lo tìm đầu ra cho sản phẩm.
Từ đây, ý tưởng thành lập thêm cơ sở sơ chế, chế biến đã được nhen nhóm. Được sự chấp thuận của lãnh đạo địa phương, HTX Đại Áng đã mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng nhà xưởng và kho đông lạnh cũng như tuyển thêm nhân công làm việc.
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thiêm cho biết: “Về cơ bản, mô hình của HTX được vận hành khép kín hoàn toàn với mục tiêu “đưa sản phẩm từ trang trại đến tận bàn ăn của người tiêu dùng”. Cá sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, chế biến. Quy trình bao gồm nhiều công đoạn như làm sạch, phi lê, cắt khúc, đóng gói, bảo quản đông lạnh… Ngoài sản phẩm cá tươi, chúng tôi còn làm chả cá và ruốc cá”.
Một số loại cá chính được HTX nuôi là cá trắm, cá chép, cá rô phi, cá diêu hồng, cá trôi, cá chim,… Khi đưa ra thị trường, các sản phẩm đều được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc và thường xuyên được lấy mẫu đi kiểm tra, qua đó đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Được biết, đầu ra thị trường của HTX hiện nay tương đối rộng. HTX đã ký được hợp đồng cung cấp thực phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể của các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, doanh trại quân đội, công an…, và có mặt tại một số hệ thống siêu thị.
Với quy trình vận hành trơn tru cùng nhịp độ sản xuất ổn định, HTX Đại Áng có thể cung ứng ra thị trường 250 tấn cá/năm, năng suất cao hơn 1,8 lần so với nuôi truyền thống. Ngoài ra, nếu cộng thêm 50ha ao nuôi liên kết với các hộ dân quanh vùng, tổng sản lượng mỗi năm của HTX có thể lên tới khoảng 1.000 tấn. Mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2022.
Ông Thiêm cho biết, doanh thu một năm của HTX đạt khoảng 20 tỷ đồng. Bên cạnh nuôi cá và thực hiện sơ chế, chế biến, HTX còn triển khai các hoạt động thương mại nhằm gia tăng giá trị đầu ra sản phẩm.
Giải bài toán cạnh tranh giá cả
Có thể nói, mở thêm cơ sở sơ chế và chế biến cá chính là bước đi đột phá của HTX trong cơn nguy khó mang tên Covid-19. Từ thời điểm mở rộng cơ sở, HTX đã tuyển thêm một số lao động tại địa phương, từ đó có thể gia tăng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa giúp bà con có thêm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống.
“Lao động của chúng tôi chủ yếu là người dân địa phương. Ngoài ra, HTX còn thuê thêm một số nhân công có tay nghề cao từ nơi khác đến. HTX luôn chú trọng thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định Nhà nước. Nhân công đến làm việc đều được phục vụ bữa ăn hàng ngày và duy trì mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Riêng lao động ngoại tỉnh được HTX lo cho chỗ ăn ở và nghỉ ngơi”, ông Thiêm cho hay.
Tuy đã khẳng định được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội nhưng cũng như nhiều đơn vị khác, HTX Đại Áng phải “đau đầu” với câu chuyện cạnh tranh giá cả.
Theo ông Thiêm, khó khăn lớn nhất mà HTX đang phải đối mặt là vấn đề cạnh tranh giá bán với các sản phẩm cá nuôi ao truyền thống trên thị trường: “Chúng tôi nuôi cá với công nghệ cao nên chi phí khấu hao tài sản lớn, tốn kém hơn rất nhiều. Để có chất lượng thịt cá cao thì giá thành nuôi cũng bị đẩy cao hơn. Chúng tôi nuôi những mẻ cá sạch bằng cả tâm huyết với mong muốn giúp người tiêu dùng yên tâm thưởng thức thực phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, HTX vẫn đang phải rất cố gắng để có thể cạnh tranh sòng phẳng với thị trường cá nuôi ao truyền thống”.
Để tránh tình trạng đánh đồng chất lượng giữa thủy sản chất lượng cao và “hàng chợ”, HTX mong muốn các sở, ngành của Hà Nội cần quản lý chặt chẽ chất lượng thủy sản lưu thông trên thị trường. Thêm vào đó, các cấp chính quyền địa phương tham gia kết nối chuỗi thực phẩm sạch, an toàn, kiểm soát mô hình từ trang trại đến bàn ăn, hướng đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.