HTX cần tìm hiểu rõ thị trường để rộng đường xuất khẩu

Trong điều kiện mùa vụ sản xuất ở Việt Nam trùng với một số nước khi trồng cùng một loại nông sản hay diện tích nông sản tăng cao khiến đầu ra của HTX, nông dân gặp một số bất lợi, việc mở rộng đầu ra, tích cực tìm kiếm thị trường sẽ khắc phục được khó khăn. Tuy nhiên, cần nâng cao chất lượng và có những cái nhìn dài hạn thì việc tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường mới hiệu quả.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là loại nông sản mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Hạn chế thị trường

Kết quả tích cực này có được là nhờ Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được hai nước ký kết vào năm 2022. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, người dân, HTX trồng sầu riêng cũng gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như khoảng thời gian này đang là vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhưng lại bị trùng với vụ thu hoạch của Thái Lan. Chính vì vậy, dù giá sầu riêng mà người dân, HTX bán ra đã tăng khoảng 15.000-20.000 đồng so với năm ngoái nhưng xét chung vẫn chưa phải là mức cao (60.000-70.000 đồng/kg).

Là đơn vị đang chuyên canh cây sầu riêng, ông Trần Văn Đàng, thành viên HTX Vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A (Cà Mau) cho biết, sầu riêng xuất được sang Trung Quốc và các chuỗi cung ứng hiện đại thì ít nhất phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, giữa sản phẩm đạt chuẩn VietGAP và không VietGAP không có sự chênh lệch về giá cao. Trong khi yêu cầu của các đơn vị mua hàng thì rất chi tiết; và nếu bán trong nước thì thường chỉ thanh toán gối đầu… Đây cũng là những điểm khó của người dân, HTX trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, hiện không chỉ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia xuất sầu riêng vào Trung Quốc mà còn có cả sầu riêng của Indonesia, Philippines, Campuchia… Trong đó, diện tích trồng sầu riêng thực tế của Việt Nam là khoảng 110.000 ha, nhưng trong số này chỉ có khoảng 4% diện tích đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhìn vào thực trạng trên có thể thấy, không chỉ sầu riêng mà nhiều loại nông sản khác của HTX, doanh nghiệp đang sản xuất cũng gặp những khó khăn tương tự như chiến lược thị trường còn hạn chế, đầu ra chưa thực sự ổn định… Và dù sản xuất nhiều loại nông sản có thế mạnh nhưng thị trường đầu ra hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nông sản thường bị sự cạnh tranh gay gắt từ các nước, đi liền với đó là giá cả đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí, lợi nhuận của nông dân, HTX, doanh nghiệp…

Quả bơ vẫn đang rớt giá vì khó khăn trong xuất khẩu.

Chính vì vậy mà nhiều nông sản hiện nay vẫn rơi vào cảnh được mùa mất giá, khó đầu ra. Chẳng hạn như thị trường đầu ra của quả xoài của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu bán sang Trung Quốc, tuy nhiên chưa đến 10% xoài được xuất khẩu chính ngạch. Số lượng xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, châu Âu, Úc cũng rất khiêm tốn, nên vào lúc thu hoạch rộ, giá nhiều loại xoài vẫn xuống khá thấp.

Điều đó cũng diễn ra với bơ. Loại quả này hiện gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu khiến giá xuống thấp. Riêng với bơ 034, giá bán lẻ sau khi vận chuyển ra một số địa phương phía Bắc chỉ đạt 20.000- 25.000 đồng/kg.

Gia tăng giá trị nếu full chuỗi

Theo các chuyên gia, nông sản Việt có nhiều lợi thế của vùng nhiệt đới nhưng xét về thị trường đầu ra chưa được rộng mở. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của nhiều loại nông, lâm, thủy sản. Việc xuất khẩu sang các thị trường châu Âu vẫn còn khiêm tốn hoặc bỏ ngỏ. Trong khi nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ hiện nay chưa phục hồi vì ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các HTX, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường ngách. Chẳng hạn như Iran hiện có nhu cầu lớn về nhập khẩu nông sản để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong một buổi xúc tiến thương mại mới đây, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng cho biết mỗi người dân Iran có nhu cầu dùng 120-130kg trái cây/năm. Trong khi tổng dân số của nước này là 86 triệu người, nếu biết cách thâm nhập thì đây một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng trái cây Việt Nam.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, hiện nay, nhiều thị trường lớn chưa phục hồi, việc chuyển hướng sang khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á… là cần thiết.

Chẳng hạn như việc xuất khẩu gạo sang châu Phi là một hướng đi được đánh giá cao vì các nước khu vực này chưa tự chủ được nguồn gạo phục vụ người dân trong nước. Trong khi về chất lượng nhập khẩu, điều kiện nhập khẩu lại không quá cao, không yêu cầu nhiều về mẫu mã. Điều này được cho là phù hợp với những HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, nói vậy không có nghĩa là HTX, doanh nghiệp không phải nâng cao chất lượng nông sản. Bởi xét về thị trường thì dù xuất khẩu sang đâu vẫn có tính cạnh tranh. Trong khi so với hàng hóa của một số nước, sản phẩm của Việt Nam vẫn còn lép vế về mẫu mã bao bì, marketing.

Để thu hút người tiêu dùng ở những thị trường này, HTX, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng tiêu dùng để xác định những phân khúc thị trường nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh trực tiếp với những mặt hàng thế mạnh của các “đối thủ”.

Thay vào đó, nên khai thác thế mạnh sản xuất sản phẩm bản địa như một lợi thế cạnh tranh. Nhiều sản phẩm như cà pháo, mắm tôm, pudding xoài, cá nục kho… được các HTX, doanh nghiệp nhỏ khai thác và sản xuất bằng công nghệ, kỹ thuật mới đang chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường.

Mới đây, HTX chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (Quảng Nam) đã liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm cá nục rim và các sản phẩm của HTX xuất thị trường Mỹ, được cho là sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cao hơn cho HTX cũng như nhiều loại nông sản.

TS Nguyễn Thị Thu Nga, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thì phần bao bì cũng cần được quan tâm hơn. Dù bao bì lớn hay nhỏ cũng phải đảm bảo về nhãn hàng hóa, ngôn ngữ, có thông tin về tem, mã vạch (dù không bắt buộc) để hạn chế hàng giả, giúp cơ quan quản lý của các nước biết nguồn gốc, xuất xứ, từ đó hạn chế các thủ tục giấy tờ cần thiết trong xuất khẩu.

Bà Nga cũng cho rằng, đường đi của nông sản thực phẩm nếu bảo đảm được full chuỗi từ nông trại: thu hoạch, hái, sơ chế, vận chuyển, lưu kho, chế biến, đóng gói, quảng bá, đến người tiêu dùng thì giá trị xuất khẩu luôn cao hơn. Ví dụ như hiện nay ở Bắc Giang, nhà nhà trồng vải nên nếu chỉ bán trong nước không thể có giá cao nên phải sản xuất theo chuỗi phục vụ xuất khẩu thì giá trị gia tăng mới cao. Tuy nhiên, khâu bao bì, đóng gói vận chuyển cho nông sản này vẫn chưa phù hợp để xuất khẩu xa bằng đường biển, đầu tư chế biến chưa được chú trọng nên giá trị thu về chưa tuyệt đối.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang