Theo chị Mã Thúy Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, từ khi tham gia Hợp tác xã (HTX) Bánh dân gian, các thành viên có cơ hội chế biến và trưng bày sản phẩm bánh tại các lễ hội, hội thi. Với chị, nghề này không đơn thuần mang lại việc làm, thu nhập, mà còn là niềm tự hào khi được lưu truyền, giới thiệu và lan tỏa hương vị bánh quê đến thực khách gần, xa.

Chị Sơn Thị Lang, phụ nữ dân tộc Khmer, Giám đốc HTX làng nghề Cờ Ðỏ, thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ, “tiên phong” học nghề đan lục bình kiếm sống. Từ niềm đam mê, chị Lang trở thành người dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Phượng, thành viên HTX làng nghề Cờ Ðỏ, nhiều năm gắn bó nghề đan lục bình, bày tỏ, nghề này giúp chị từ chỗ có đồng ra đồng vào, đến gầy dựng nhà cửa khang trang, ngày càng mạnh dạn, khéo léo trong ứng xử, giao tiếp. Ðó còn là sự phấn khởi của chị Nguyễn Thị Kiều Loan, Tổ trưởng tổ hợp tác làm móc câu, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ; chị Võ Thị Thu Nga, Tổ trưởng tổ hợp tác đan dây nhựa xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, nỗ lực học nghề và tận tâm truyền nghề, giúp phụ nữ nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, phụ nữ có nhu cầu tham gia các hoạt động sản xuất, khởi sự kinh doanh để tăng thu nhập, trong đó, yếu tố tiên quyết là sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Theo chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, Hội đang quản lý 19,5 tỉ đồng vốn ưu đãi, giúp 491 chị phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Sau sự hụt hẫng khi hôn nhân đổ vỡ, chị Trần Thị Hồng, ở ấp Thới Lộc, xã Xuân Thắng, được vận động tham gia sinh hoạt Hội để “xốc” lại tinh thần. Năm 2021, chị Hồng được Hội LHPN thành phố vận động, tặng Mái ấm tình thương và giới thiệu vay 30 triệu đồng để mua bán trái cây, nuôi 2 con ăn học. Chị Hồng bày tỏ niềm vui được giới thiệu làm công nhân thời vụ nhà máy xay xát, kinh tế gia đình từng bước ổn định. Hay chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, ở ấp Thới Lộc, xã Xuân Thắng, trong lúc nghỉ việc ở bệnh viện để chăm sóc 2 con nhỏ, mạnh dạn vay 50 triệu đồng để thêm vốn mướn 4 công đất, trồng 300 cây mãng cầu xiêm. Ngoài bán cho thương lái theo từng đợt trái, chị Diễm còn làm mứt mãng cầu, trà mãng cầu… phục vụ thực khách gần, xa.
Quá trình chị em khởi nghiệp, vươn lên làm chủ cuộc sống luôn có sự đồng hành của các ngành, các cấp. Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, Hội LHPN đang quản lý trên 1.658 tỉ đồng, chiếm trên 46% tổng dư nợ ủy thác, cao nhất trong 4 hội, đoàn thể. Hội tích cực hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, xây dựng các mô hình làm ăn, phát triển kinh tế hiệu quả; phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho chị em. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, 5 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố có 23.277 lao động được giới thiệu việc làm, trong đó, có nhiều lao động nữ nhạy bén nắm bắt cơ hội khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cũng như kết nối, hỗ trợ chị em có nhu cầu tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, nguồn quỹ hỗ trợ… Qua đó, góp phần hun đúc, khơi dậy tinh thần nỗ lực, vươn lên khẳng định vai trò, vị thế “không thể thiếu” của chị em trong gia đình và xã hội.