Ðiều dễ nhận thấy ở các xã nông thôn mới có cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ là nhờ sự chung sức, đồng lòng của các ngành, các cấp. Ðáng chú ý, người dân là chủ thể và trực tiếp thụ hưởng thành quả của xây dựng nông thôn mới cho nên họ tích cực tham gia xây dựng quê hương.
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, đến nay, thành phố Cần Thơ có 26 trong số 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố Cần Thơ tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho chương trình này, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Ðầu năm 2023, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của thành phố Cần Thơ. Xe ô-tô không những vào đến trung tâm xã mà còn đến tận các ấp nhờ hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng từ 3-4m, hai bên đường người dân trồng hoa, cây xanh rợp bóng mát. Ông Phạm Minh Ðến, 60 tuổi, ở ấp Ðịnh Hòa B, xã Ðịnh Môn phấn khởi khi nói về diện mạo mới của quê hương mình, đường sá sạch đẹp, đêm thì đèn điện sáng choang. “Gia đình tôi cũng tham gia hiến đất làm đường giao thông, lắp đặt đèn đường chiếu sáng với trị giá 145 triệu đồng. Người dân trong ấp ai có điều kiện cũng chung sức góp tiền, góp công cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp”, ông Ðến nói.
Trong hai năm 2021-2022, Ðịnh Môn huy động hơn 81 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 73,1 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 8,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, Ðịnh Môn đã hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí, 38 chỉ tiêu về xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,04%, tất cả các trường đạt chuẩn quốc gia. Ðịnh Môn còn xây dựng được hai ấp thông minh là ấp Ðịnh Phước và Ðịnh Hòa A với đường truyền mạng tốc độ cao và hơn 85% số hộ gia đình có điện thoại thông minh và kết nối mạng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðịnh Môn cho biết: Ðịnh Môn tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nổi trội là “Cảnh quan môi trường gắn với tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập người dân. Hiện tại xã Ðịnh Môn có hai hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả (Hợp tác xã Ðồng Tâm và Hợp tác xã Ðồng Tiến) góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, Ðịnh Môn phát triển sản xuất hữu cơ trên nhãn Idor, với diện tích 215ha, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đạt chứng nhận VietGAP và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Nhãn Idor hữu cơ của Hợp tác xã Ðồng Tâm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Huyện Phong Ðiền có tất cả 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang xây dựng xã Mỹ Khánh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu trong năm nay, Phong Ðiền đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, tiến đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển huyện thành đô thị sinh thái theo Nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ. Phong Ðiền có lợi thế lớn trong xây dựng nông thôn mới nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần thành phố, có nhiều vườn cây ăn trái đặc sản, giá trị kinh tế cao gắn với phát triển du lịch. Huyện đang rà soát, đầu tư nâng chất các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 theo tiêu chí nâng cao của giai đoạn 2021-2025, nhất là về cơ sở hạ tầng, văn hóa, môi trường… Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu có 24 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ðến nay, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vượt kế hoạch nhờ sự tham gia đóng góp của toàn xã hội.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, yêu cầu đặt ra các tiêu chí nông thôn mới ngày càng cao, các địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới cả chiều rộng và chiều sâu đến từng hộ dân trên địa bàn. Trọng tâm là xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị như: chương trình OCOP, Chương trình tổng thể “Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030″… để phát triển kinh tế nông thôn.
Thành phố Cần Thơ tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới; chú trọng việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tiếp tục phát huy vai trò tập hợp đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, có hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với một số các chỉ tiêu thành phần trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu do các bộ, ngành hướng dẫn chưa thể thực hiện được.