Cùng sản xuất một loại nông sản và thu hoạch cùng một thời điểm sẽ tạo áp lực đầu ra cho nông dân, HTX. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, vẫn có những khoảng trống từ lệch vụ thu hoạch mà HTX, người dân có thể tận dụng để mở rộng đầu ra cho nông sản.
Việt Nam là quốc gia có nguồn cung các loại nông sản như trái cây, rau củ dồi dào. Điều này cũng đặt ra thách thức trong tiêu thụ. Có nhiều loại nông sản của HTX, người dân tập trung đầu tư nhưng gặp áp lực đầu ra khi vào vụ thu hoạch rộ lại trùng với vụ thu hoạch của một số nước.
Khoảng trống mùa vụ
Chẳng hạn như quả thanh long chính vụ của Việt Nam nhiều năm liền vào vụ thu hoạch bị rớt giá, chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg do trùng với vụ thu hoạch thanh long của Trung Quốc. Điều này khiến nông dân, HTX trồng thanh long thua lỗ, thậm chí xảy ra tình trạng chặt thanh long để trồng những cây khác.
Hay như củ hành tím ở Sóc Trăng mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ lại bị rớt giá, thậm chí phải kêu gọi “giải cứu” vì đầu ra khó khăn. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp, HTX đưa ra, đó là vụ thu hoạch hành ở Sóc Trăng bị trùng với vụ thu hoạch hành ở Thái Lan nên áp lực cạnh tranh rất lớn. Trong khi khâu sản xuất, đóng gói, vận chuyển hành ở Sóc Trăng chưa được đánh giá cao so với Thái Lan…
Theo các chuyên gia, khi bị trùng vụ, áp lực cạnh tranh của nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản là rất lớn, có khi dẫn đến thua lỗ, phá sản. Để giải quyết đầu ra, việc tìm kiếm thị trường mới được các cơ quan quản lý và chuyên gia lưu tâm. Tuy nhiên, phương án này cũng chỉ giải quyết được phần nào đầu ra cho nông sản.
Chẳng hạn như đối với quả vải, việc đưa vải xuất khẩu sang Mỹ được coi là phương án hiệu quả. Tuy nhiên, theo Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng, vấn đề đặt ra chính là khoảng cách địa lý dẫn đến thời gian vận chuyển vải sang Mỹ khá lâu. Đi liền với đó là giá cước vận chuyển đường hàng không lại quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.
Muốn xuất khẩu vải sang Mỹ phải trải qua khâu chiếu xạ. Nhưng khó khăn với các HTX, doanh nghiệp hiện nay là Việt Nam mới chỉ có 2 cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận lại đặt ở miền Nam. Điều này vừa gia tăng thời gian, vừa tăng chi phí xuất khẩu.
Dẫn chứng điều này để thấy, có thể nhiều khi nông sản Việt Nam được các nước nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng thì lại gặp khó khăn về vận chuyển, chiếu xạ. Còn khi xuất khẩu ở những thị trường gần để giảm chi phí logistics thì áp lực cạnh tranh cũng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, có những nông sản khi vào chính vụ thì rớt giá, gặp áp lực trùng vụ nhưng khi hết vụ thu hoạch lại được giá vì thị trường khan hiếm nhưng nông dân, HTX không hoặc có ít nông sản để bán. Chẳng hạn như quả thanh long, vào thời điểm từ giữa đến cuối tháng 5, giá thu mua tại Tiền Giang đã tăng lên 40.000-43.000 đồng/kg nhưng nhiều nông dân, HTX trồng thanh long tại đây lại không có hàng nhiều để bán cho thương lái.
Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có những nông sản được trồng ở Việt Nam và các nước khác nhưng do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý mà thời điểm thu hoạch có thể chênh lệch 1-2 tháng, thậm chí nhiều hơn. Và đây chính là “thời điểm vàng” để Việt Nam tận dụng nhằm hạn chế sự cạnh tranh và giải quyết phần nào khó khăn cho nông sản.
Chẳng hạn như quả vải của Trung Quốc thu hoạch rải từ tháng 2 cho đến tháng 7, thì từ tháng 6 trở đi sẽ là thời điểm phù hợp để Việt Nam xuất khẩu vải sang thị trường này. Còn đối với quả xoài ở Hải Nam (Trung Quốc) thường thu hoạch vào tháng 4 – 8, xoài ở Quảng Tây (Trung Quốc) lại thu hoạch từ tháng 6 – 9. Trong khi xoài Việt Nam chủ yếu thu hoạch vào cuối năm, nên nếu tận dụng thời điểm này để xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn và ít bị cạnh tranh hơn.
Với quả sầu riêng Việt Nam cũng vậy, việc xuất khẩu sang Trung Quốc được đánh giá thuận lợi nhờ có thể rải vụ, nguồn cung dồi dào so với Thái Lan và Malaysia. Ngay với sầu riêng Trung Quốc hiện cũng đã được trồng ở đảo Hải Nam nhưng sản lượng nhỏ, chất lượng chưa được đánh giá cao, thời gian thu hoạch ngắn.
Ăn khớp từng khâu
Cơ hội xuất khẩu lệch vụ là không hiếm đối với nhiều loại nông sản. Vậy nhưng, điều cần lưu tâm là khoảng thời gian này thường ngắn nên người dân, HTX, doanh nghiệp cần phải tranh thủ tận dụng. Và muốn tận dụng được thì đầu tiên, ngay từ khâu trồng trọt cũng phải tính toán làm sao để bố trí thời vụ hợp lý. Tránh xuống giống tập trung với một diện tích lớn nhưng lại trùng vụ thu hoạch với nhiều thị trường khác tại cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch rõ ràng trong thu hái, vận chuyển và bảo đảm chất lượng, tránh bị động gây kéo dài thời gian dẫn tới bỏ qua cơ hội. Chẳng hạn như đối với các nông sản xuất khẩu cần bảo quản lạnh cũng phải quan tâm đến thời gian thu hoạch nông sản; thời gian đóng nông sản vào container; thời gian chờ làm thủ tục hải quan, chiếu xạ, kiểm dịch, hun trùng; thời gian vận chuyển… Tất cả các khoảng thời gian này cần được tính toán phù hợp, bảo đảm ăn khớp với nhau để rút ngắn quá trình xuất khẩu, đảm bảo chất lượng nông sản, tránh bị hư hỏng.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng để tận dụng được khoảng trống mùa vụ thì chất lượng nông sản của Việt Nam cũng phải được đảm bảo, được trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài ra, cần tận dụng tốt các tuyến đường để thu gọn thời gian vận chuyển.
“Hiện, Thái Lan, Lào đang tận dụng rất tốt tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào – Thái Lan để xuất khẩu nông sản trong thời gian ngắn. Việt Nam cũng cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tận dụng các tuyến đường sắt để xuất khẩu”, bà Thực chia sẻ.
Một điều được chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phân tích đó là, muốn tận dụng tốt yếu tố mùa vụ, các cơ quan quản lý cần làm tốt vai trò dự báo thị trường. Trong đó, ngành nông nghiệp, ngành công thương, các tham tán thương mại… phải xem xét thị trường nào cần mặt hàng gì, thời điểm cụ thể như thế nào, số lượng bao nhiêu thì mới giúp người dân chủ động, có kế hoạch rõ ràng trong điều chỉnh lịch thời vụ, xuống giống, áp dụng các kỹ thuật rải vụ.