Việc thương nhân Trung Quốc thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam và đưa nông sản về nước cũng là bài học cho nông dân, HTX, doanh nghiệp Việt trên con đường sản xuất và tìm đầu ra cho nông sản.
Đến hẹn lại lên, hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam để đến vùng chuyên canh vải Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, xem xét các điểm cân, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Nghịch lý mức độ hiểu thị trường
Theo Sở NN&PTNT Bắc Giang, dự kiến năm nay, tỉnh sẽ xuất khoảng 110.000 tấn vải sang Trung Quốc, trong đó có hình thức xuất khẩu thông qua các thương nhân. Sau 2 lần duyệt hồ sơ, và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hiện các thương nhân Trung Quốc đã tìm được một số vùng thu mua và điểm cân phù hợp. Dự kiến đầu tháng 6, các điểm cân sẽ chính thức hoạt động.
Không chỉ Bắc Giang mà hầu hết các địa phương, vùng trồng nông sản ở Việt Nam đều đã phủ dấu chân của thương nhân Trung Quốc nhằm tìm hiểu thị trường và đưa ra những quyết định thu mua, vận chuyển nông sản.
Chính điều này đang dẫn đến một nghịch lý đó là thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc hiểu thị trường, nông sản Việt sâu bao nhiêu thì nông dân, HTX, doanh nghiệp Việt lại hiểu quá khiêm tốn về thị trường của họ.
Trong một buổi xúc tiến thương mại trái xoài của Việt Nam sang Trung Quốc, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện muốn mua một loại nông sản nào của Việt Nam, thương nhân Trung Quốc đều đến tận vùng trồng ở Việt Nam để tìm hiểu vùng trồng. Ngoài ra, họ còn thuê nhà kho, lập văn phòng đại diện, tìm hiểu giao thông để vận chuyển, thu mua nông sản tận ruộng. Mỗi vụ thu hoạch, thương nhân Trung Quốc có thể nắm rõ được đặc điểm sinh trưởng, sản lượng, diện tích của từng nông sản. Vì lẽ đó nên họ có cái nhìn từ tổng thể đến chi tiết về thị trường nên có thể định giá, thu mua, thậm chí đưa ra các điều kiện thu mua. Chính vì vậy mà họ luôn nắm “đằng chuôi”.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Xuân Lập, đại diện HTX Bình Quới (Long An) cho rằng, các thương nhân Trung Quốc khi đến làm việc với HTX đều đưa ra yêu cầu rõ ràng về chất lượng như phải có chứng nhận VietGAP, có mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Thanh long phải đẹp, giữ được mẫu mã và chất lượng trong quá trình vận chuyển. Giá cả mà họ đưa ra cũng rất cạnh tranh.
Còn người dân, HTX, doanh nghiệp Việt hiện xuất nông sản sang Trung Quốc phần lớn nhưng hiểu về thị trường này còn mơ hồ. Bởi ngoài các quy định về sản xuất, rất ít HTX, doanh nghiệp Việt hiểu được đường đi của nông sản sẽ về đâu khi đưa sang Trung Quốc. Khu vực nào của Trung Quốc là nơi tập trung nhiều trái cây nhập khẩu để sau đó phân phối đến tay người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng, nông sản Việt Nam phần lớn mới chỉ đến được một số địa phương như tỉnh Quảng Tây, Nam Ninh (Trung Quốc) mà chưa vào sâu trong nội địa. Ngay như chợ đầu mối nông sản ở thành phố Thượng Hải hay một tỉnh tập trung khoảng 90 triệu dân như An Huy hiện nay vẫn vắng bóng nông sản Việt Nam.
Điều này là do phần lớn nông sản của Việt Nam mới chỉ xuất tiểu ngạch. Người dân, HTX, doanh nghiệp cũng chỉ bán nông sản cho thương lái hoặc xuất qua doanh nghiệp mà không sang trực tiếp xem xét, tìm hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng. Và đã có doanh nghiệp Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối với đơn vị xuất khẩu nông sản ở Việt Nam để xử lý, giải quyết hoặc rút kinh nghiệm trong việc nông sản khi qua Trung Quốc chẳng may bị hỏng, không bảo đảm chất lượng như đã ký kết.
Thay đổi tư duy
Thực chất, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng cho nông sản của nông dân, HTX, doanh nghiệp Việt Nam vì vị trí địa lý thuận lợi. So với người tiêu dùng ở một số nước châu Âu thì người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nông sản Việt Nam hơn, đặc biệt là những mặt hàng trái cây nhiệt đới.
Làm sao để tận dụng được điều này, theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, doanh nghiệp HTX Việt Nam nên học cách “ăn dầm ngủ dề” hàng tháng trời tại Việt Nam của thương nhân Trung Quốc để tìm hiểu thị trường, thị hiếu khách hàng. Chỉ khi qua trực tiếp Trung Quốc, HTX, doanh nghiệp Việt mới biết vùng nào ở đây ưa ăn trái cây tươi, đâu là chợ đầu mối tiêu thụ nông sản lớn ở Trung Quốc, cách thức phân phối nông sản từ chợ đầu mối đến tay người tiêu dùng Trung Quốc như thế nào…
“HTX, doanh nghiệp nên thay đổi tư duy, không nên bán những thứ mình có sẵn mà phải nghiên cứu thị trường. Chẳng hạn, người tiêu dùng Trung Quốc ưa ăn trái cây tươi, sầu riêng cấp đông nhưng lại thích dùng cà phê đã chế biến sâu. Mẫu mã cũng phải đẹp và ưa những số chẵn. Chính vì vậy, cần có phương án sản xuất và đầu tư phù hợp cho mỗi loại nông sản cũng như quy cách đóng gói”, ông Bùi Huy Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều thương nhân Trung Quốc sẵn sàng sang Việt Nam để mở nhà kho, văn phòng đại diện nhằm thuận tiện cho việc thu mua, làm các thủ tục xuất khẩu, và HTX, doanh nghiệp Việt cũng cần học hỏi.
Dù thế nào thì trong thời gian gần đây cũng dễ nhận thấy, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính trong các tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng nông sản. Để mở rộng đầu ra sang thị trường này, thì chất lượng, giá cả sản phẩm cũng cần được quan tâm.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nhiều nông sản Việt đang khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Campuchia nên đầu ra bị thu hẹp. Ngay như xoài cát Hòa Lộc, thương lái Trung Quốc cũng cho rằng nông sản này đang có giá cao, khó cạnh tranh nổi với xoài Campuchia. Vì vậy, thay vì mua xoài cát Hòa Lộc, phía Trung Quốc đã ký hợp đồng mua xoài keo Campuchia với số lượng hàng trăm nghìn tấn, giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi xoài Cát Hòa Lộc của Việt Nam thường có giá trung bình 35.000-40.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Hòa Lộc (Tiền Giang) chia sẻ, cái khó của HTX hiện nay là làm sao để cân đối được giá cả khi đưa nông sản ra thị trường. Bởi, để sản xuất được xoài đạt tiêu chuẩn, nhất là sản phẩm loại 1 phục vụ xuất khẩu thì chi phí khá cao, thành viên HTX phải bán ở mức trên 50.000 đồng/kg mới có lãi.
Chính vì vậy, ông Thực mong muốn để giảm được chi phí sản xuất thì cơ quan quản lý cần hỗ trợ người dân, HTX trong việc hạ giá phân bón, phát triển hệ thống giao thông để vận chuyển nông sản thuận lợi, hay ứng dụng công nghệ bảo quản phù hợp để tối ưu chi phí.