Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam về những khó khăn mà hợp tác xã (HTX) đang gặp phải, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, doanh nghiệp phải trở thành trợ lực cho HTX trong trục nông sản vùng miền để nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, thoát vấn nạn ‘giải cứu’ nông sản.
Phân tích về một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật HTX, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, để tạo điều kiện cho thành viên HTX, dự thảo luật phải có chính sách ưu tiên cho HTX về quỹ đất.
Không có quỹ đất thì HTX không thể hình thành được 2 thị trường là thị trường nội bộ (mua và phân phối cho các thành viên HTX) và thị trường bên ngoài (đem hàng của thành viên bán ra bên ngoài). Tạo được 2 thị trường này thì HTX mới tăng trưởng bền vững, trở thành nền tảng kinh tế của nông thôn.
Khi có quỹ đất, HTX được trao lại quyền sử dụng đất và đem quyền sử dụng đất ra làm tài sản thế chấp vay ngân hàng. Nếu chỉ để các thành viên góp vốn, người nông dân góp vốn vào HTX thời kỳ 1 – 3 năm thì thời gian ngắn này rất khó để HTX có thể trở thành vùng sản xuất hướng vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong trường hợp HTX được giao quỹ đất thì quyền sử dụng đó phải được định giá và việc định giá đó cần tính theo giá trị của đất hay định giá theo giá trị sử dụng? Điều này cần được luật hóa.
“Hiện nay, rất nhiều HTX không có đất để làm trụ sở, không có đất làm dịch vụ. Hoạt động sửa luật cần phải kiến tạo chính sách để cho HTX thuê đất làm trụ sở với giá 0 đồng. Làm sao phải tạo sự bình đẳng giữa kinh tế HTX (kinh tế tập thể) giống như các thành phần kinh tế khác”, ông Thủy nói.
Theo tinh thần của Nghị quyết 20/NQ/TW ngày16/6/2022, kinh tế tập thể là thành phần quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước để trở thành nền kinh tế vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Tại các địa phương hiện nay, nhận thức về kinh tế tập thể của cán bộ cơ sở còn mơ hồ. Người quản lý HTX cũng chỉ quan tâm nhiều đến “khoán trắng”.
“Khi xác định nền kinh tế tập thể mang tính nền tảng thì phải xác định được nền tảng đó bao gồm những gì. Trong sản xuất nông sản của HTX, muốn tạo thành nền tảng thì bản thân các hộ gia đình phải trở thành thành viên của HTX để trục nông sản có mã vùng, mã số, mã vạch, thương hiệu. HTX phải trở thành người dẫn dắt nông dân đi từ thắng lợi mùa vụ tới thắng lợi hợp đồng phân phối sản phẩm”, ông Thủy nói.
Khó khăn nhất của HTX hiện nay là tập hợp được nông dân miền núi với các tiểu vùng sinh thái và loại cây trồng khác nhau.
Về chính sách hỗ trợ của địa phương cho HTX, chỉ có các địa phương tự chủ được về mặt ngân sách thì mới hỗ trợ được cho HTX quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ. Còn lại, 47 tỉnh thành chưa tự chủ được ngân sách nên sự hỗ trợ cho thành viên HTX quảng bá được sản phẩm còn khá khó khăn.
Đó là chưa kể đến tính đồng bộ, liên kết bộ giữa các bộ ngành và địa phương trong hỗ trợ HTX cũng còn nhiều bất cập. Sự liên kết còn nhiều công đoạn, chưa có sự đồng nhất. Nếu không có sự đồng bộ này ngay từ khâu xây dựng luật thì HTX tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ HTX phát triển, ông Thủy cho rằng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở về kinh tế tập thể phải được thông suốt. Cùng với đó là đào tạo người nông dân trở thành những người lao động chuyên nghiệp.
“Muốn đào tạo người nông dân trở thành người lao động chuyên nghiệp bắt buộc phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đảm nhiệm một khâu trong chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp phải trở thành trợ lực cho HTX trong trục nông sản vùng miền nhằm làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm. Nếu không, vẫn sẽ chỉ là sản phẩm phổ thông, dễ bán, dễ sửa và vẫn phải giải cứu. Chúng ta cần đưa khoa học kỹ thuật và việc xây dựng chuỗi giá trị liên kết hợp tác xuất khẩu”, ông Thủy nhấn mạnh.