Sau nhiều năm bị kìm kẹp bởi những chính sách, quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thì nay đã có những chính sách với tín hiệu thay đổi tích cực, tạo tiền đề cho các HTX chủ động khẳng định mình trên thị trường.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có phát triển chăn nuôi, trước đây HTX muốn giết mổ từ 10 con lợn/ngày, 100 con gà/ngày, hoặc nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên phải thực hiện xin giấy phép về môi trường của UBND huyện. Bởi theo các ngành chức năng, quy mô chăn nuôi, giết mổ như trên được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ.
Cơ hội cho HTX
Điều này tương đương với hoạt động sản xuất của một nhà máy chế biến nông sản công suất từ 100 đến dưới 1.000 tấn/năm hoặc một nhà máy sản xuất đồ uống có công suất từ 50.000 đến dưới 1 triệu lít sản phẩm/năm.
Còn việc giết 100 con gà, 10 con lợn mà phải lên tận huyện xin giấy phép môi trường chẳng khác gì nhà có đám cỗ cũng phải đi lên huyện xin thủ tục giết mổ. Trong khi các tiêu chí để được cấp giấy phép rất dài dòng, vượt quá khả năng thực tế của nhiều HTX từ quy định về vị trí, khoảng cách, diện tích chuồng nuôi, hệ thống nước thải, quy mô, công suất… phải đúng theo quy hoạch. Nếu được cấp phép, HTX chỉ có thể đầu tư lại các công trình trên… gây tốn kém, trong khi không phải cứ muốn đầu tư là HTX có thể đầu tư, xây dựng mới lại được.
“Đã đầu tư lại chỉn chu, hiện đại thì HTX nào cũng muốn đăng ký giết mổ theo hình thức quy mô lớn chứ không muốn rơi vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ theo Nghị định 08 năm 2022 quy định”, ông Hồ Sỹ Cầm, Giám đốc HTX dịch vụ mua bán, giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng (Hà Tĩnh), cho biết.
Tuy nhiên, sau nhiều năm gặp khó khăn về chính sách này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3016 gửi UBND các tỉnh/thành phố lấy ý kiến sửa đổi một số điều Nghị định 08.
Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hướng sửa đổi sẽ là tăng thẩm quyền cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý môi trường các dự án này.
Theo các HTX, việc sửa đổi Nghị định 08 sẽ giúp các HTX tiết kiệm được thời gian, công sức và cả tiền bạc. Nhất là trong điều kiện chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, các cơ quan quản lý cần quan tâm nhiều hơn đến các câu chữ, tránh chung chung, mơ hồ, gây khó khăn cho người dân, HTX trong quá trình áp dụng sau này.
Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, mới đây Bộ NN&PTNT trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về chính sách phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp. Trong đó có hai điểm mới, có lẽ sẽ mang lại niềm vui cho người dân, HTX đó là đề xuất cho phép mô hình kinh tế trang trại kết hợp sản xuất chế biến và mô hình kinh tế trang trại kết hợp với du lịch. Nghĩa là nông dân, HTX được làm nhà bán kiên cố trên đất nông nghiệp để cung cấp dịch vụ trải nghiệm và đầu tư công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp phục vụ phát triển chuỗi giá trị khép kín.
Đây là mong ước của nhiều HTX, bởi trước đây muốn xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch trên đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định của Luật Đất đai. Điều này khiến các HTX không tận dụng được tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Khi hành lang pháp lý về quản lý đất đai trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng rộng mở và hoàn thiện, các HTX cũng sẽ có nhiều phương án, cách thức để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển lên một tầm cao mới.
Cần những bước tiến mới
Có thể thấy, những dự thảo Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, thậm chí của các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản nói chung đang thu hút sự quan tâm của người dân, HTX.
Từ thực tế việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách pháp luật trên có thể thấy, vẫn còn rất nhiều quy định pháp luật khi đưa ra chưa đáp ứng được mong đợi cũng như chưa phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của nông dân, HTX.
Chằng hạn như chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi hiện nay lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi. Và ngay trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cũng chưa đề cập đến vấn này. Trong khi theo Luật Chăn nuôi, người dân, HTX phải di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và cần nguồn đất mới để tái đầu tư trang trại.
Theo các HTX , trong đợt sửa đổi bổ sung lần này, các cơ quan quản lý cần xem xét đưa quỹ đất rõ ràng để phát triển chăn nuôi. Đồng thời cho phép người dân, HTX có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài trên đất nông nghiệp nếu đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh cho con người, vật nuôi và môi trường sinh thái.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét cho HTX tham gia phát triển một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay vì chỉ có doanh nghiệp được phép tham gia. Điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa HTX và doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, một số chính sách pháp luật cần ưu tiên hỗ trợ HTX về cơ giới hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và khơi thông về vốn thay vì đưa ra các điều kiện ngặt nghèo, bó hẹp khiến HTX khó tiếp cận như hiện nay.
Theo các chuyên gia, kinh tế tập thể, HTX vẫn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp. Nhưng một trong những nguyên nhân khiến khu vực này gặp khó là cải cách thể chế chậm, hệ thống chính sách không nhất quán, khó dự báo, chồng chéo và rối rắm.
Chính vì vậy, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nắm bắt, trao đổi, giải đáp kiến nghị của người dân, HTX để có đề xuất bổ sung, bảo đảm chính sách khuyến khích phù hợp, khả thi, sớm đi vào cuộc sống, từ đó là động lực to lớn cho các HTX phát triển, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nông dân.