Sau nhiều năm đi vào hoạt động, các công trình và công nghệ thủy lợi do nhiều HTX nông nghiệp quản lý đã lạc hậu, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh nên ảnh hưởng đến quá trình vận hành và hiệu quả sản xuất, đồng thời làm tăng chi phí cho các HTX.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong số các đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy lợi, có hơn 8.000 đơn vị là HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX thủy nông, và có gần 7.000 đơn vị là các tổ hợp tác.
Thiếu nguồn lực
Nhằm nâng cao hoạt động và chất lượng thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển sang phương thức đặt hàng, mua sản phẩm (nước tưới tiêu) với công ty, tổ chức thủy lợi cơ sở (gồm các HTX, tổ hợp tác). Từ những thông tin cụ thể trên hợp đồng đặt hàng, các tổ chức thủy lợi cơ sở có trách nhiệm cung cấp, ổn định nước tưới tiêu cho diện tích của thời vụ đó.
Để đáp ứng được các đơn đặt hàng cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, đòi hỏi các HTX quản lý, vận hành các công trình thủy lợi phải có đủ năng lực, tài chính, nhân lực…
Hiện nay, phần lớn kinh phí của các HTX quản lý, vận hành các công trình thủy lợi là từ nguồn hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, phí thủy lợi của người dân và thành viên sau khi sử dụng dịch vụ… Vậy nhưng nguồn kinh phí này là rất nhỏ, sau đó được trích ra để đảm bảo hoạt động của tổ quản lý thủy lợi, một phần được dùng để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi.
HTX dịch vụ nông nghiệp Mỏ Công (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, Tây Ninh) có nguồn thu chính của HTX chủ yếu dựa vào việc khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi. Nguồn này chỉ đủ để vận hành máy móc như tiền điện, tiền xăng… hoặc đáp ứng được việc nâng cấp, sửa chữa nhỏ, mang tính cấp bách, không đồng bộ. Nhiều HTX, tổ hợp tác muốn cải tạo, nâng cấp kênh mương chủ yếu huy động sự đóng góp công sức và chi phí của người dân, thành viên theo mùa vụ hoặc theo năm.
Ngoài ra, để vận hành, nâng cấp được các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa được Nhà nước giao quản lý, các HTX cần phải có nguồn nhân lực phù hợp.
Chẳng hạn như để quản lý được các hồ chứa có dung tích từ 500.000m3 đến dưới 1 triệu m3, HTX phải có 1 nhân lực trình độ cao đẳng chuyên ngành thủy lợi. Các đập, hồ chứa nước nhỏ cũng tùy theo dung tích mà yêu cầu cán bộ có trình độ tối thiểu từ trung cấp thủy lợi trở lên, hoặc công nhân chuyên ngành điện bậc 4 trở lên… đảm nhận việc khai thác công trình thủy lợi. Còn các hồ chưa lớn, HTX phải có từ 2-5 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi để vận hành quản lý (tùy dung tích).
Trước yêu cầu trên, nếu chiếu theo các HTX, tổ hợp tác đang vận hành công trình thủy lợi thì cần một số lượng không nhỏ các kỹ sư, cán bộ chuyên ngành về làm việc.
Nhưng thực tế điều này là không hề dễ bởi chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực của địa phương và Nhà nước về HTX làm việc chưa thực sự thỏa đáng. Nhiều HTX cũng chưa minh bạch trong quản lý thu, chi tài chính… dẫn đến khó tạo lòng tin để thu hút người tài và cũng ít được tin tưởng giao cho quản lý các công trình thủy lợi, hồ chứa.
Coi trọng HTX, tổ hợp tác làm dịch vụ thủy lợi
Trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, thủy nông là khâu vô cùng quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng cũng như hình thành và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nếu các công trình thủy lợi huy động được vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong quản lý, vận hành sẽ huy động, phát huy được vai trò của người dân trong quá trình khai thác, bảo vệ các công trình này. Từ đó có thể giảm kinh phí đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, hạn chế tranh chấp, đục phá kênh mương…
Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp có độ am hiểu nhất định về quy tắc mùa màng, kinh nghiệm thời tiết, con nước nên có kế hoạch phân phối nước. Việc vận hành cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Tuy nhiên, do quy mô và mức độ đầu tư, vận hành các công trình thủy lợi đòi hỏi nguồn đầu tư lớn cả về quy mô lẫn kinh phí và nguồn nhân lực. Trong khi phần lớn các công trình này ở các địa phương đã được đầu tư trong thời gian dài với công nghệ lạc hậu, hệ thống mương máng xuống cấp do tác động từ biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, yêu cầu các xã phải đạt tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương theo yêu cầu và có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh. Trong đó, tiêu chí có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh có chỉ tiêu về HTX, tổ hợp tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình trình thủy lợi. Điều này cho thấy, nếu xây dựng được các tổ hợp tác, HTX quản lý thủy lợi sẽ giúp địa phương hoàn thiện các tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện, hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố thể chế, tài chính, kỹ thuật, nhân lực, điều kiện xã hội của từng địa phương. Trong đó, nhiều HTX hiện nay rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
Đặc biệt không ít tổ hợp tác đang làm tốt công tác thủy lợi tại cơ sở nhưng do không có tư cách pháp nhân nên không được nhận nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước. Đây là những thiệt thòi không đáng có đối với các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012 cũng cần quan tâm đến quy định tư cách pháp nhân cho mô hình tổ hợp tác, nhằm tạo thuận lợi cho mô hình này trong quá trình hoạt động.
Để tăng cường vai trò của người dân, HTX trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, các chuyên gia cho rằng ngoài tạo điều kiện, xem xét các quy định, yêu cầu trong hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các HTX, các địa phương và các HTX cũng nên xem xét, tìm hiểu các công cụ, máy móc phục vụ thủy lợi phù hợp cả về giá thành và hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác thủy lợi cũng như khẳng định vai trò của mô hình kinh tế tập thể.
Chẳng hạn như đã có HTX nông nghiệp, thủy lợi ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… nhanh nhạy thay đổi các máy bơm, trạm bơm ly tâm bơm trục đứng công nghệ cũ, đòi hỏi đầu tư lớn, sửa chữa phức tạp, tốn kém và nhất là tiêu hao điện năng rất lớn làm cho chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao… sang công nghệ bơm vô ống với công nghệ đơn giản, tiết kiệm chi phí lắp đặt, sửa chữa. Với loại máy mới, HTX cũng không phải xây dựng hệ thống trạm bơm, hệ thống biến áp, hệ thống ống hút, ống xả, cửa hút, cửa xả, không phải kiên cố hóa kênh tưới rất tốn kém.
Trong khi, muốn đầu tư một trạm bơm ly tâm 4 tổ máy bơm vừa tưới, vừa tiêu thì HTX phải đầu tư khoảng 7 tỷ đồng cho một trạm bơm công suất 4.000m3/h, còn lắp theo hệ thống bơm vô ống thì chỉ mất có 130 triệu cho công suất 4.000m3/h.