Chủ động chăm sóc lúa hè thu 

Sản xuất lúa vụ hè thu 2023 đối mặt với nhiều khó khăn do giá nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao và thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, với hỗ trợ, khuyến cáo kịp thời của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, chủ động vào cuộc của nông dân nhìn chung các trà lúa hè thu phát triển tốt…

Lúa hè thu 2023 tại huyện Thới Lai.

Lúa phát triển tốt

Nông dân trồng lúa không chỉ gặp bất lợi do giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và giá thuê nhân công ở mức cao mà thời tiết cũng có nhiều diễn biến bất lợi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Năm nay, nắng nóng rất gay gắt so với mọi năm, đồng thời nhiều loại dịch hại lúa diễn biến phức tạp. Dù vậy, sản xuất lúa hè thu 2023 cũng có thuận lợi nhờ các cơ sở hạ tầng thủy lợi được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Nông dân cũng được ngành Nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí nhân công lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðặc biệt, giá lúa ở mức khá cao, giúp nông dân có nhiều động lực trong sản xuất. Vụ đông xuân vừa qua, lúa không chỉ trúng mùa mà còn bán được giá rất cao, nông dân đã có vụ mùa bội thu, với mức lợi nhuận đạt cao nhất trong nhiều năm qua.

Nhờ chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tích cực chăm sóc và bảo vệ lúa, hầu hết các ruộng lúa vụ hè thu của nông dân đều đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Bé Tư ở ấp Ðông Thạnh, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “30 công lúa hè thu gieo sạ giống lúa chất lượng cao OM 5451 của tôi đã được 42 ngày tuổi, lúa phát triển rất tốt và chưa phải phun thuốc trừ sâu lần nào. Hiện lúa của tôi đã có thương lái đặt cọc mua lúa tươi với giá 6.100 đồng/kg, cao hơn 400 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước. Trong vụ đông xuân vừa rồi, tôi sạ lúa Jasmine 85, đạt được năng suất tới 1,1 tấn/công và lúa bán được giá khá cao với 6.870 đồng/kg đã giúp tôi có lời hơn 4 triệu đồng/công”. Theo bà Liêu Thị Chanh Thi ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, vụ hè thu 2023 gia đình bà có 6 công lúa sạ giống OM 5451. Ðến nay, lúa đã được 60 ngày tuổi và đang bước vào giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ. Năm nay, dù gặp trời nắng nóng nhưng nhờ chủ động chăm sóc, tưới nước và bón phân phù hợp cho lúa mà ruộng lúa phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, dự báo chi phí sản xuất lúa vụ này sẽ tăng cao so vụ đông xuân do nông dân phải tốn thêm chi phí bơm nước và phải tăng lượng phân bón vì vụ này đồng ruộng không được nước lũ bồi bổ phù sa như vụ đông xuân vừa qua.

Không được chủ quan

Nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống vụ hè thu 2023 được 71.197ha, đạt 102% so với kế hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ hè thu 2023, nông dân trên địa bàn thành phố chủ yếu gieo trồng các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, OM 380, Ðài Thơm 8… Hiện lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, trổ và sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, nông dân không được chủ quan mà cần thăm đồng thường xuyên để chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa.

Sản xuất có nhiều bất lợi, các cấp chính quyền và các ngành chức năng thành phố cũng đã và đang tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ kịp thời có các hướng dẫn và khuyến cáo để ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân thực hiện nhằm chủ động thích ứng với các điều kiện sản xuất bất lợi. Trong đó, Sở lưu ý sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023, các địa phương cần tích cực vận động nông làm tốt công tác vệ sinh động ruộng và làm đất để tiêu diệt mầm sâu bệnh và giảm nguy cơ lúa bị ngộ độc hữu cơ. Ðảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân và vụ hè thu ít nhất 3 tuần. Xuống giống theo lịch thời vụ khuyến cáo để né rầy, tránh hạn đầu vụ và xuống giống đồng loạt, tập trung trên từng vùng, cánh đồng để dễ quản lý sâu bệnh, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch lúa. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, gieo sạ mật độ phù hợp và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí. Ðặc biệt, áp dụng các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới tiêu nước tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học trong quản lý sâu rầy, không sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa từ 0 đến 40 ngày sau sạ. Thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng lúa gạo.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để sản xuất thắng lợi vụ hè thu, ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân cần tiếp tục quan tâm theo dõi sát đồng ruộng và các diễn biến của thời tiết và sâu bệnh nhằm chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa. Ðặc biệt, để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện trời nắng nóng và thủy cấp ở mức thấp, bà con phải thường xuyên sử dụng máy bơm để tưới nước cho lúa, nông dân quan tâm kết bơm tưới, điều tiết nước gắn với chu kỳ bón phân. Qua đó, vừa có thể áp dụng giải pháp tưới “ngập khô xen kẽ”, vừa hạn chế phân bón thất thoát do bốc hơi. Thực hiện bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm và chú ý bổ sung các chất trung, vi lượng: silic, can xi… để cây lúa chắc khỏe, cứng cây, ít bị đổ ngã và giảm năng suất, chất lượng. Các trà lúa hè thu bước vào giai đoạn trổ đòng và gặp thời tiết mưa nắng đan xen, dễ có nguy cơ bùng phát các loại dịch hại như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, chuột… nên cần phải chủ động phòng tránh. Lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và không sử dụng các loại hóa chất độc hại và xung điện để diệt chuột. Song song đó, ngành chức năng tại các địa phương cùng nông dân và các hợp tác xã cần tiếp tục tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và thương lái để chủ động thu hoạch và tiêu thụ lúa kịp thời.

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang