Chế độ ăn lành mạnh (healthy food) là sử dụng những loại thực phẩm hữu cơ, thực phẩm tự nhiên, không chứa tạp chất có hại đang mở ra nhiều cơ hội cho các HTX nông nghiệp, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với những HTX hạn chế về nguồn lực và chậm thay đổi.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), sản xuất nhóm thực phẩm liên quan đến tinh bột đang chiếm đến 47% tổng lượng thực phẩm toàn cầu. Trong đó, sản xuất các mặt hàng liên quan đến rau củ chỉ chiếm khoảng 11%, các sản phẩm từ thịt, cá cũng chỉ chiếm khoảng 11%, sản phẩm từ sữa khoảng 40%…
Nhiều dư địa cho HTX rau củ quả
Người dân trên thế giới đang nghiêng về những bữa ăn bảo đảm sức khỏe, điều này khiến nhu cầu về dinh dưỡng như nhóm tinh bột dự tính sẽ giảm xuống còn 20% trong 5-7 năm tới. Nhưng ngược lại, nhóm rau củ quả và sữa dự tính sẽ tăng lên khoảng 80%.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng những HTX, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng lúa gạo có thể phải tìm hướng để đa dạng đầu ra, phục vụ sản xuất sang những ngành hàng khác hoặc tập trung vào nâng cao chất lượng. Còn dư địa cho người dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng nông sản về rau củ quả, trái cây, sữa, thịt cá… rất lớn.
Một điều thuận lợi là chiến lược và định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay cũng tương đồng với xu hướng của thế giới, đó là: đẩy mạnh phát triển mạnh ngành thủy sản, cây ăn trái, giữ vững diện tích lúa gạo. Chẳng hạn như ngành thủy sản, Việt Nam ưu tiên phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, thủy sản ven biển và thủy sản trên biển nhằm hướng đến 2030, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.
Đối với phát triển cây ăn trái, Việt Nam cũng đã có các chương trình đẩy mạnh thương mại hóa, xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho các loại nông sản này. Câu chuyện thành công của các HTX, người dân, doanh nghiệp trồng vải là một ví dụ điển hình. Đặc biệt, dù dịch Covid-19 và nền kinh tế hậu Covid-19 còn nhiều khó khăn nhưng quả vải vẫn tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới.
Thích ứng thị trường
Tuy nhiên, theo các HTX, để đáp ứng nhu cầu ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng ở Việt Nam và trên thế giới, việc chuẩn hóa quy trình sản xuất là rất cần thiết nhưng không hề đơn giản.
Bà Dương Thị Thắng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ và du lịch Mãn Đức (Hòa Bình), cho biết tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm sang các thị trường châu Âu như nhãn, bưởi đỏ và HTX cũng đang định hướng đưa một số nông sản sang thị trường này để phục vụ nhu cầu ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng phương Tây.
“Vậy nhưng điểm khó khăn của HTX là hiện mới chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó khoảng cách từ tiêu chuẩn VietGAP đến việc đáp ứng các chỉ số thực phẩm lành mạnh của khối thị trường châu Âu là khá lớn”, bà Thắng nói.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Henry Bùi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ, cho biết đây là khó khăn chung của các HTX, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Bởi trước đây, khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nông sản phải vượt qua được các đợt kiểm tra về 165 chất thuộc khung thuốc bảo vệ thực vật, nhưng hiện nay phải vượt qua đợt kiểm tra 511 chất thuộc khung thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, điều quan trọng nhất là sản phẩm của HTX, doanh nghiệp phải không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “HTX phải xác thực được sản phẩm đó là hữu cơ thực sự chứ không phải là dán nhãn hữu cơ”, TS Henry Bùi chia sẻ .
Bà Vũ Kim Hạnh, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thế giới thay đổi nhanh chóng. Các cụm từ đạm thay thế, đạm thực vật được tìm kiếm khắp nơi. Chính vì vậy, các HTX, doanh nghiệp Việt nếu không nhanh chân sẽ tụt hậu. “Ngay như món mít kho chay nhiều HTX, doanh nghiệp ẩm thực, du lịch… nay mới làm nhưng thế giới đã có rất nhiều, và từ rất lâu”, bà Vũ Kim Hạnh dẫn chứng.
Nhưng có một điều là hiện nay, không ít HTX, người dân, doanh nghiệp thường thấy người nuôi-trồng cây con nào hiệu quả lại đẩy mạnh mở rộng diện tích chứ chưa thực sự chú trọng nâng cao chất lượng. Chính vì vậy mà một số mặt hàng trái cây thời gian gần đây đang phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng đầu ra chưa thuận lợi. Chẳng hạn như thanh long, lúc cao điểm, sản lượng lên đến 1,4 triệu tấn nhưng đầu ra vẫn chưa rộng mở.
Như vậy, trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu sống khỏe của người dân trên toàn cầu, các HTX cần đẩy mạnh phát triển sản xuất loại nông sản này và những nông sản chủ lực của Việt Nam theo chuỗi giá trị.
Muốn làm được điều này, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, các HTX, người dân và cả doanh nghiệp cần điều tra về tính khả thi về thị trường trước khi làm. Sau đó, cần sản xuất thử trên quy mô nhất định để biết khả năng cụ thể của mình về nguyên liệu, máy móc, ‘test’ thị trường và tập tiếp thị, phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, HTX cũng cần quan tâm đến yếu tố bền vững ngay từ khi bắt đầu đi vào vận hành bởi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường, HTX muốn phát triển thì phải thích ứng.
“Tại sao doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam khó lấy được đơn hàng, trong khi Bangladesh lại làm không hết việc. Câu trả lời là Bangladesh đã đi trước trong xây dựng và phát triển các nhà máy xanh, nhà máy năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, nếu không nắm được nhu cầu thị trường thì HTX, doanh nghiệp rất khó cạnh tranh, và nhanh chóng thất bại”, bà Hạnh dẫn chứng.