Vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực kinh tế tập thể, HTX còn thấp nên việc chủ động tìm kiếm, kết nối với các nguồn vốn khác sẽ giúp HTX chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.
Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay chưa đến 10% trong tổng số hơn 29.000 HTX tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.
Vướng cả nội lực và ngoại lực
Phần lớn nguyên nhân là do các HTX có nguồn lực nhỏ, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực sở hữu chung còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các công trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nước, thủy canh… tuy có giá trị lớn nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản trên đất nên HTX không thể thế chấp vay vốn ngân hàng.
Nhìn sâu xa hơn, có những HTX còn chưa minh bạch được tài chính, quy trình sản xuất vì thiếu kế toán hoặc có kế toán nhưng năng lực còn yếu. Theo TS Ninh Đức Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Cán Bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn I (Bộ NN&PTNT) kế toán của các HTX chủ yếu là kế toán đơn, chỉ ghi chép trên tài khoản đơn thuần, riêng biệt, không đối ứng với các tài khoản kế toán khác, kỹ năng đọc và phân tích tài chính còn thiếu và yếu.
Kế toán chưa được quan tâm là một trong những điều khiến HTX thiếu cơ sở lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, khó kiểm toán và kiểm soát các vấn đề phát sinh. Điều này khiến dòng tài chính của các HTX chưa được minh bạch, từ đó gặp những điều không thuận lợi trong tiếp cận vốn.
Ngoài những yếu tố nội lực, các chính sách hỗ trợ và pháp luật về kinh tế tập thể, HTX cũng chưa thực sự tạo điều kiện cho khu vực này tiếp cận các nguồn vốn.
Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ (Hà Giang) cho biết, hầu hết các chính sách từ Luật HTX năm 2012 đến Luật đất đai… đều đặt ra các điều kiện vay vốn, huy động vốn nghiêm ngặt. HTX muốn vay vốn đều phải có tài sản thế chấp nên đối với những thành viên và giám đốc HTX là thanh niên ở vùng cao thì rất khó có thể đáp ứng được.
Dù là hoạt động trong lĩnh vực nào thì phần lớn các HTX hiện nay đều có nhu cầu mở rộng nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.
Trước những khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như HTX khó đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu mua sản phẩm cho các thành viên, khó đầu tư máy móc… Vì vậy, việc mở rộng quy mô HTX rất hạn chế.
Mở rộng huy động vốn
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, các HTX cần nâng cao năng lực quản trị và tăng số lượng thành viên. Bởi khi tăng năng lực quản trị sẽ tạo được niềm tin để thu hút thành viên, khi thu hút được thành viên sẽ khuyến khích thành viên góp vốn.
Bên cạnh đó, khi tăng năng lực quản trị sẽ tạo thuận lợi cho kết nối chuỗi, từ đó giúp HTX dễ huy động nguồn lực như: ứng vốn, vật tư từ doanh nghiệp phục vụ sản xuất hoặc có thể thu hút, mời doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết. Từ đây, HTX có thể vay vốn từ doanh nghiệp hoặc tạo độ tin cậy đối với các tổ chức tín dụng.
Thực tế, đã có những HTX chủ động sản xuất kinh doanh và huy động nguồn vốn nên thuận lợi trong việc đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT HTX thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương), cho biết dù quy mô sản xuất lên đến 150ha thủy sản và sử dụng vốn điều lệ 9 tỷ đồng nhưng HTX không bao giờ rơi vào cảnh thiếu vốn. Cách mà HTX đang làm, đó là lấy ao cá của hộ thành viên này nuôi ao cá của hộ thành viên khác nên không phải sử dụng đồng tiền “ăn chịu” nào.
Hàng năm, có hàng trăm hồ sơ xin vào HTX nhưng Ban giám đốc HTX xét duyệt đầu vào rất kỹ, chỉ 3-5 hồ sơ đủ điều kiện gia nhập/năm. Đến nay, 7 thành viên của Xuyên Việt đã phát triển trong HTX và có 3 doanh nghiệp làm thành viên thực hiện nhiệm vụ phát triển chuỗi giá trị, hỗ trợ vốn. Khi phát triển hiệu quả chuỗi, nhiều HTX, đoàn tham quan đến làm việc với HTX cũng là cơ hội để Xuyên Việt xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra và liên kết mở rộng thành viên, huy động vốn.
Trước thực tế của HTX Xuyên Việt, có thể thấy yếu tố nội lực của HTX cũng rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn vốn để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đồng thời khẳng định vai trò của mô hình HTX trong bảo đảm đời sống của thành viên.
Tuy nhiên, song song yếu tố nội lực, các chuyên gia cũng cho rằng khi các chính sách pháp luật hoàn thiện sẽ giúp HTX nâng cao hơn nữa khả năng huy động vốn. Một trong những điều đó là hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi).
Ông Phùng Quốc Chí, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) cho rằng, để tiếp cận vốn dễ dàng, HTX phải minh bạch tài chính, muốn minh bạch tài chính, HTX phải kiểm toán. Kiểm toán trước hết phục vụ hoạt động quản trị HTX, sau là làm cơ sở để các tổ chức tín dụng cho HTX vay vốn.
Trong Luật HTX năm 2012 đã quy định kiểm toán nhưng vẫn còn chung chung, nhiều bất cập nên việc thực hiện kiểm toán của các HTX còn nhiều hạn chế.
Hiện, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã có hẳn một chương về kiểm toán, trong đó nêu rõ HTX nào cần kiểm toán bắt buộc, tần suất kiểm toán ra sao, có quy định hỗ trợ HTX siêu nhỏ, nhỏ về phí kiểm toán… Bên cạnh đó, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã quy định tài sản chung không chia được thế chấp ngân hàng, trừ những tài sản của Nhà nước.
Theo ông Phùng Quốc Chí, nếu những điểm mới trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) được thông qua sẽ tăng niềm tin của mô hình HTX với thành viên, khuyến khích thành viên góp vốn và đặc biệt là giúp các HTX có cơ sở để vay vốn từ các tổ chức tín dụng.