Vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi)

Dù đã có nhiều nội dung đổi mới nhưng không thể phủ nhận trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, một số quy định trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) vẫn còn những điểm chưa phù hợp với thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế tập thể, nên cần nhanh chóng xem xét để có những điều chỉnh phù hợp.

Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện quy định 3 điều về tổ hợp tác. Vậy nhưng, nếu xem xét kỹ vẫn còn khá nhiều điểm bất cập. Nếu không làm rõ và sửa đổi kịp thời thì sẽ hạn chế vai trò của một trong những nhân tố quan trọng của khu vực kinh tế tập thể.

Lấn cấn thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp trong HTX

Đó là vấn đề về đăng ký thành lập tổ hợp tác. Tại Khoản 2, Điều 105 của dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định tổ hợp tác phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng là khi hợp đồng hợp tác không có thời hạn hoặc có thời hạn hợp tác từ 6 tháng trở lên và có góp vốn… Quy định như vậy sẽ xuất hiện nhóm tổ hợp tác có đăng ký và nhóm tổ hợp tác không đăng ký thành lập.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 71.000 tổ hợp tác, giảm 2000 tổ hợp tác (3%) so với năm 2021. Việc giảm sút số lượng tổ hợp tác này là do số liệu thống kê hay do nguyên nhân gì khác cần được làm rõ.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện vẫn có những trường hợp tổ hợp tác không bắt buộc phải đăng ký thành lập. Nếu Luật được thông qua và đi vào thực tiễn thì sẽ chưa phát huy được vai trò của mô hình tổ hợp tác vì tổ hợp tác vốn là một trong những thành phần giúp phát triển khu vực kinh tế tập thể và HTX theo đúng tư cách pháp nhân. Đặc biệt, nếu không bắt buộc đăng ký thành lập tổ hợp tác có thể dẫn tới việc quản lý gặp khó khăn, phức tạp.

Ngoài vấn đề đăng ký thành lập tổ hợp tác, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện cũng đã có những nội dung về việc thành lập doanh nghiệp trong HTX.

Điều này được đánh giá là một trong những điểm mới của dự thảo Luật HTX (sửa đổi) vì đã thể hiện được những nội dung trong Nghị quyết 20 -NQ/TW đó là khuyến khích các HTX nếu có đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thành lập doanh nghiệp.

Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cần xem xét kỹ lưỡng để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo đột phá cho kinh tế tập thể phát triển.

Việc thành lập doanh nghiệp trong HTX cũng là một trong những nội dung hết sức quan trọng và hiệu quả, giúp doanh nghiệp trở thành một công cụ của HTX trong việc thực hiện liên kết, tiếp cận thị trường cũng như tiếp cận các chính sách trong hoạt động.

Chỉ tính riêng trong nội hàm HTX, nhất là HTX nông nghiệp, thống kê hiện nay cho thấy có 2.297 HTX đã thành lập doanh nghiệp và hoạt động rất tốt.

Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp trong HTX vẫn còn quy định chung chung trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi), chưa phù hợp với sự đa dạng về ngành nghề của các HTX, gây lấn cấn và khó khăn cho các HTX sau này nếu muốn thành lập doanh nghiệp.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến cho biết trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện có đưa ra điều kiện: nếu HTX có đủ điều kiện thì được thành lập doanh nghiệp TNHH với 100% vốn của HTX, còn điều kiện như thế nào thì vẫn do Chính phủ quy định.

“Vậy không riêng gì HTX nông nghiệp mà ngay các HTX trong lĩnh vực giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp… nếu muốn thành lập doanh nghiệp trong HTX làm sao một cách thuận lợi và đảm bảo thì trong dự thảo Luật HTX chưa quy định cụ thể”, PGS, TS Phạm Thị Hồng Yến nêu.

Chưa thấy động lực cho kinh tế tập thể

Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) vẫn là các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Và mặc dù đã được đưa ra họp bàn, mổ xẻ rất nhiều lần nhưng các chính sách hỗ trợ trong dự thảo Luật vẫn được đánh giá là chưa thực sự đột phá.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế rất quan trọng và được khẳng định trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn, kinh tế tập thể vẫn gặp nhiều khó khăn nên phải cần tìm động lực cho khu vực này phát triển.

“Vậy nhưng, tôi đọc dự thảo Luật HTX rất nhiều lần vẫn chưa thấy những ‘động lực’ cho khu vực này ở đâu khiến khu vực này bị ‘đóng’ suốt nhiều năm qua”, TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Cụ thể là dự thảo Luật HTX (sửa đổi) vẫn “đóng” ở việc HTX không huy động được thành viên, không huy động được nguồn vốn, không thu hút được nhân tài vì không có cơ chế phù hợp với sự vận hành, phát triển của thị trường.

Chính vì vậy, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cần có những xem xét cụ thể để có những thay đổi kịp thời. Vì một tổ chức bất kỳ nào muốn phát triển được luôn luôn phải có yếu tố chính sách “mở” để thu hút được những nhân tố mới, nguồn lực mới từ bên ngoài. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu và sự thay đổi của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường, trong khi nền kinh tế luôn luôn biến động.

Còn theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, thống kê hiện nay cho thấy, cả nước có trên 29.000 HTX, trong đó 2/3 HTX là trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy cần tăng thêm động lực cho các HTX ở khu vực này, từ đó làm đầu kéo kéo khu vực kinh tế tập thể, HTX đi lên.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) phải cập nhật các chính sách mới, đột phá, các chính sách liên quan một cách phù hợp với thực tiễn, sát với nhu cầu của kinh tế tập thể, HTX để giúp khu vực này phát triển bền vững.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top