OCOP – Ðòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn

TP Cần Thơ xác định phát triển sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, số lượng sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ vẫn chưa nhiều, chưa có sản phẩm OCOP quốc gia; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa rộng rãi và mang đến kết quả như kỳ vọng…

Sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ được quảng bá tại một sự kiện.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Năm 2022, TP Cần Thơ công nhận 51 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 33 sản phẩm OCOP 4 sao, 18 sản phẩm OCOP 3 sao, đạt 255% so với kế hoạch. Đối tượng chủ thể OCOP, 4 doanh nghiệp, với 17 sản phẩm; 11 hợp tác xã, với 11 sản phẩm; 12 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, với 23 sản phẩm. Lũy kế đến nay, thành phố có 92 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 36,9% sản phẩm 3 sao, 63,1% sản phẩm 4 sao.

Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của thành phố được công nhận trong năm 2022 tăng mạnh, tuy nhiên ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Tiềm lực sản phẩm tham gia chương trình OCOP là rất lớn nhưng công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân tham gia còn hạn chế. Muốn các chủ thể tham gia, cán bộ phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, rất ít chủ thể (doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) chủ động tìm đến để được hỗ trợ tham gia chương trình. Thời gian qua, thành phố có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có thể so sánh lợi thế cạnh tranh về sản phẩm của mình đối với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác. Tuy nhiên, một số chủ thể OCOP hạn chế về trình độ công nghệ thông tin, thiếu nhanh nhạy bắt nhịp các hoạt động quảng bá của thành phố tổ chức. Từ đó, dẫn đến sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP vẫn giậm chân tại chỗ, không nâng cao được giá trị sản phẩm để cải thiện thu nhập cho chủ thể”.

Là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận so với các quận, huyện trên địa bàn, song theo ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, quá trình phát triển sản phẩm OCOP của quận vướng phải nhiều cản ngại. Đơn cử, chủ thể các sản phẩm chủ yếu là sản xuất theo hướng truyền thống nhỏ lẻ, chưa đầu tư nhiều về máy móc trang thiết bị.  Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm làm ra còn khó cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu ngoài thị trường. Bên cạnh đó, thành phố chưa ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP nên địa phương còn lúng túng trong việc vận dụng để chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Tại các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, hạn chế trong xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án kinh doanh; thiết kế bao bì, tem nhãn đơn giản, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu nên khả năng cạnh tranh thấp, giá trị gia tăng chưa cao…

Cần trợ lực

Năm 2023, thành phố tập trung tiêu chuẩn hóa 92 sản phẩm dịch vụ hiện có; phát triển 1 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương; phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm 4 sao và phấn đấu có 2 sản phẩm 5 sao.

Từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, ông Lê Minh Triết kiến nghị Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố đề xuất Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương có chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ cho các chủ thể OCOP. Cụ thể như định mức hỗ trợ máy móc, nhà xưởng sơ chế, đóng gói sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu cho các hoạt động thuộc chương trình OCOP…

Theo ông Lê Văn Tính, trong bối cảnh hiện nay, các chủ thể OCOP cần năng động ứng dụng thương mại điện tử tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh hàng trực tuyến… Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP. Đồng thời, thúc đẩy triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân”; hỗ trợ xây dựng kỷ yếu về câu chuyện sản phẩm đặc sản địa phương; phát triển các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố xác định phát triển sản phẩm OCOP làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, các quận, huyện cần tập trung các sản phẩm OCOP là đặc sản, ngành nghề nông thôn để phát huy nội lực, sức sáng tạo hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng. Đồng thời, phát huy lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vùng nông thôn. Văn phòng điều phối NTM thành phố phối hợp với các bên liên quan tăng cường tuyên truyền tập huấn cho cán bộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người dân về chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng chất sản phẩm, vạch lộ trình tham gia nâng hạng chứng nhận sản phẩm OCOP…

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Mỹ Thanh

All in one
Lên đầu trang