Năng động, nhiệt tình công tác Hội, sống giản dị, gần gũi, được hội viên phụ nữ quý mến – đó là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Lê Thị Diệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (CHPN) khu vực Rạch Sung, phường Thới Long, quận Ô Môn. Với nhiều cách làm hay, thiết thực, chị Diệp giúp nhiều chị em có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao dời sống.
Nhưng năm qua, nhiều gia đình ỡ khu vực Rạch Sung, gia công làm lưới, làm lú. Nhờ công việc này, nhiều hộ thoát nghèo, ổn định kinh tế. Bản thân chị Diệp cũng nhờ làm lưới, làm lú mà từng bước vượt khó. Nhận thấy đây là công việc đơn giản, có thể học và làm trong một thời gian ngắn, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi, năm 2022, chị Diệp đề xuất Ban Chấp hành Hội LHPN phường thành lập và làm Tổ trưởng Tổ liên kết làm lưới – làm lú khu vực Rạch Sung, với 14 thành viên.
Hằng ngày, chị Diệp nhận hàng từ cơ sở và giao lại cho các thành viên tổ về gia công các công đoạn tại nhà. Chị Lê Thị Diệp nói: “Hiện tại, khoảng 200 người tham gia thực hiện các công đoạn làm lưới, làm lú của Tổ. Trung bình, mỗi lao động có thể kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày. Riêng thành viên tổ thu nhập cao hơn, ngoài tiền gia công, các chị còn được trả tiền thù lao trong nhận và giao hàng, thu nhập thành viên khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng”.
Chị Lê Thị Ðiệp, thành viên Tổ liên kết, bộc bạch: “Vợ chồng tôi không đất sản xuất, trước kia chủ yếu làm thuê kiếm sống, kinh tế gia đình khá eo hẹp. Khi CHPN thành lập mô hình Tổ liên kết, tôi được các chị vận động tham gia làm thành viên. Hiện nay, tôi vừa trực tiếp gia công sản phẩm, vừa được trả thù lao với vai trò kết nối, giao nhận sản phẩm, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, có điều kiện lo cho con đi học thoải mái hơn”. Còn bà Lê Thị Hát, đơn thân nuôi con, gia đình không đất sản xuất, cho biết: “Cô Diệp động viên tôi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Hiện tại, tiền thù lao làm lú của tôi ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho hai mẹ con. Tiền lương phụ quán ăn của con trai tôi để dành tích lũy”.
Chị Lê Thị Diệp đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng CHPN khu vực Rạch Sung từ năm 2010. Chị Diệp bộc bạch: “Tôi tham gia công tác Hội để có thể giúp đỡ hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có điều kiện tiến bộ trong cuộc sống. Bản thân tôi cũng từng rất khó khăn nên thấu hiểu nỗi vất vả, những thiệt thòi của chị em phụ nữ”. Nhằm hỗ trợ hội viên, CHPN còn thành lập quản lý tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với 46 chị, dư nợ 1,1 tỉ đồng, giúp các chị em đầu tư sản xuất, mua bán nhỏ… Chị Trần Thị Hạnh kể: “Gia đình tôi có 5 công đất, trước kia là vườn tạp, huê lợi ít ỏi. Khoảng 4 năm nay, tôi được CHPN làm hồ sơ hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi sang trồng na Thái. Vườn na đã cho trái được 2 đợt. Ðợt gần đây, trừ chi phí, còn lời trên 100 triệu đồng”.
Từ nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, giai đoạn 2016-2022, CHPN khu vực giúp 17 chị thoát nghèo. Hiện nay, CHPN chỉ còn 1 hội viên nghèo, rơi vào trường hợp phụ nữ đơn thân, cao tuổi, sức khỏe yếu không có khả năng lao động. Trường hợp này, chị Diệp cùng CHPN thường xuyên ưu tiên giúp đỡ.
Chị Lý Mộng Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Long, quận Ô Môn, nói: “Chị Diệp có năng lực, nhiệt tình, gần gũi hội viên. Chị chủ động xây dựng nhiều mô hình thiết thực, nhất là hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, thu hút nhiều chị em tham gia. Qua đó, giúp hội viên, phụ nữ nghèo ổn định cuộc sống. Quá trình công tác, chị Diệp nhận được nhiều giấy khen của các cấp”.