Tiếp tục đề xuất đổi mới và đột phá cho dự thảo luật HTX sửa đổi: Cần loại bỏ quy định làm giảm tính minh bạch của HTX (Kỳ 4)

Đề án Luật HTX sửa đổi đưa ra mục tiêu, sửa luật sao cho thông thoáng hơn, xóa bỏ rào cản, để HTX có thể tồn tại và phát triển được trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng muốn quản lý cho thật chặt chẽ, không để buông lỏng quản lý,  HTX không bị “biến tướng” hay bị “trục lợi”… Tuy nhiên, đi vào các quy định của thể dự thảo Luật cho thấy, điều đó vẫn chưa đạt được như mong đợi hay kỳ vọng, thậm chí nguy cơ kém minh bạch có thể còn lớn hơn…?!

Tại một số quy định của Dự thảo cho thấy những lợi thế, đặc trưng về tính dân chủ, bình đẳng của HTX, lợi thế đề cao tính minh bạch của HTX đã bị suy giảm hay bị hạn chế. Trước hết, đó là các quy định liên quan đến mô hình tổ chức của HTX. 

Tại điều 49, khoản 4 có quy đinh: “Trưởng Ban kiểm soát do Đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số các thành viên Ban kiểm soát. Một cá nhân có thể đồng thời được bầu làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 tổ chức kinh tế hợp tác. Trường hợp không có thành viên đủ năng lực chuyên môn làm Trưởng Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị xin ý kiến Đại hội thành viên thuê Trưởng Ban kiểm soát.”

Sao lại cho phép HTX thuê Trưởng ban kiểm soát?

Như vậy, là HTX được phép, có thể thuê Trưởng Ban kiểm soát. Đây là một quy định rất kỳ lạ, hi hữu, và trái hoàn toàn thông lệ quốc tế cũng như trong nước. Trên thế giới, cũng như với mặt bằng pháp lý trong nước hiện nay, có lẽ không có một mô hình nào của một tổ chức kinh tế có chủ sở hữu, có vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh hợp pháp lại được phép, có thể đi thuê Trưởng Ban kiểm soát.  Có nhiều vấn đề cần trao đổi, làm rõ ở đây, đặc biệt từ góc độ pháp lý và cả những bất cập, rủi ro không lợi từ việc này.

Thứ nhất, thành viên Ban kiểm soát cũng như thành viên Hội đồng quản trị là đại diện của chủ sở hữu HTX, tức đại diện cho tập thể các thành viên HTX. Thành viên Ban kiểm soát cũng như thành viên Hội đồng quản trị là do bầu, chứ không phải đi thuê, không được đi thuê.

Thứ hai, theo quy định của dự thảo luật, nếu Đại hội thành viên HTX đồng ý đi thuê Trưởng Ban kiểm soát, thì tương tự như thuê Giám đốc HTX. Khi đó, việc thuê này phải có hợp đồng lao động, Trưởng Ban kiểm soát cũng giống như Giám đốc là người đi làm thuê, ăn lương.

Thứ ba, ai sẽ là người tuyển chọn, ký hợp đồng lao động với Trưởng Ban kiểm soát? Theo thông lệ và quy định, có lẽ người ký hợp đồng thuê là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của HTX. Vấn đề ở đây như vậy có bảo đảm tính minh bạch, bảo đảm không xung đột lợi ích, xung đột quyền lợi?

Hội đồng quản trị có chức năng rất quan trọng trong xây dựng tổ chức, hoạch định chiến lược kinh doanh và lộ trình phát triển của HTX.

Một trong những chức năng quan trọng nhất, cần nhất của Trưởng Ban kiểm soát nói riêng và thành viên Ban kiểm soát nói chung là giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động quản trị, điều hành. Cũng chính khoản 3 của điều 49 này cũng quy định kiểm soát viên phải độc lập trong các hoạt động giám sát, kiểm tra của mình. Cũng chính vì để đảm bảo tính độc lập này mà thành viên HĐQT không được có quan hệ họ hàng với kiểm soát viên, không có quan hệ có thể gây xung đột lợi ích, ảnh hưởng xấu hay bất lợi đến HTX. 

Tiếp theo, cũng tại khoản 4 của điều 49 dự thảo quy định “Trưởng Ban kiểm soát do Đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số các thành viên Ban kiểm soát.” Như vậy, đại hội thành viên HTX sẽ phải bầu hai lần, thứ nhất là bầu các kiểm soát viên. Sau đó, đại hội tiếp tục bầu trực tiếp Trưởng ban kiểm soát từ các kiểm soát viên đã trúng cử. Chưa kể đến việc rắc rối, phiền toái, mất công tổ chức bầu bán, kiểm phiểu hai lần của HTX, thì việc quy định này cũng đặt ra dấu hỏi lớn? Có thật sự cần thiết việc Trưởng ban kiểm soát do Đại hội bầu trực tiếp như vậy không, hay để thành viên Ban kiểm soát bầu? Điều này có lẽ không có thông lệ ở Việt Nam và trên thế giới.

Cũng nhấn mạnh thêm, HTX là một tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân, có chủ sở hữu, có vốn điều lệ, có đăng ký kinh doanh, có nộp thuế,.. như bất kỳ tổ chức kinh tế hay doanh nghiệp nào khác. Mô hình HTX kiểu mới hiện nay không phải là một tổ chức đoàn thể, một tổ chức xã hội hay một nghiệp đoàn nào đó.

Như vậy, dự thảo Luật HTX cần phải bỏ ngay quy định tại điều 49 về việc cho phép thuê Trưởng Ban kiểm soát. Còn nếu Trưởng ban kiểm soát không có đủ trình độ chuyên môn thì giải quyết vấn đề này cũng khá đơn giản. Khi đó Ban kiểm soát có thể thuê nhân viên hay thuê trợ lý giúp việc phù hợp yêu cầu. Người được thuê, ký hợp đồng, có thể là một hay nhiều phần việc chuyên môn của Ban kiểm soát/Trưởng  ban kiểm soát, nhưng người chịu trách nhiệm cuối cùng trước Đại hội vẫn phải là Trưởng ban hay thành viên Ban kiểm soát được bầu.

Điều này cũng tương tư như việc Hội đồng quản trị có chức năng rất quan trọng trong xây dựng tổ chức, hoạch định chiến lược kinh doanh và lộ trình phát triển của HTX, v.v, nhưng HĐQT hay Chủ tịch HĐQT có thể thuê người làm tư vấn, người tham mưu, giúp việc,… Và cuối cùng HĐQT hay Chủ tịch HĐQT vẫn phải chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên. Tóm lại, có thể thuê người làm, kể cả làm phần lớn công việc, nhưng không thể thuê cả người đứng tên, được mang chức danh Chủ tịch hay Trưởng ban kiểm soát.

Những quy định làm hạn chế tính minh bạch của HTX cần loại bỏ

Hiện trong dự thảo luật HTX đang tồn tại những nghịch lý, mâu thuẫn, bất lợi cho mô hình HTX cần loại bỏ. Về quan điểm, các nhà quản lý rất lo lắng, quan ngại về sự kém minh bạch, về sự biến tướng, biến dạng của HTX theo các khái niệm như “doanh nghiệp trá hình”, “HTX trá hình” hay “xu thế doanh nghiệp hóa HTX”,…

Những lo lắng hay quan ngại đó cũng có lí do nhất định khi nguy cơ một số tài sản hạ tầng của Nhà nước giao cho HTX có thể bị lọt vào tay tư nhân, chẳng hạn. Thực ra, đây vẫn là tài sản của Nhà nước, được cho HTX thuê hay cho mượn miễn phí hay giá rẻ, có thời hạn hay không có thời hạn.

Nguy cơ tiếp theo là HTX có thể bị cá nhân thao túng, chi phối cho mục đích của một hay vài cá nhân, không phải cho lợi ích của tập thể các thành viên.

Thứ ba là nguy cơ HTX bị cá nhân thao túng, nên các nguồn lực Nhà nước hỗ trợ cho HTX có thể bị “trục lợi”, đem lợi ích riêng cho một vài người,…

Lo lắng, quan ngại vậy, thế nhưng theo khoản 2, điều 75 của Dự thảo Luật, HTX siêu nhỏ không cần có kiểm soát viên, không cần HĐQT, chỉ cần Đại hội thành viên và Giám đốc. Không cần kiểm soát viên, điều này đã giảm tính minh bạch của HTX do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực thực tế.

Ngoài ra chính điều 75 này cũng mâu thuẫn với điều 39 của Dự thảo. Theo điều 39, nếu HTX chỉ có một người đại diện pháp luật thì đương nhiên là Chủ tịch HĐQT. Nếu cho phép HTX siêu nhỏ không cần HĐQT thì ai là người đại diện pháp luật đây? Đại hội thành viên có thể thực hiện thay chức  năng của HĐQT trong trường hợp này và Giám đốc thực hiện quyền của Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, luật quy định như vậy vẫn không hết, vẫn còn bất cấp, có kẽ hở. Cụ thể, nếu Giám đốc HTX là người được thuê điều hành thì ai là người ký hợp đồng lao động cho giám đốc, ai là người đại diện pháp luật cho HTX…?! 

Một mặt, với lý do ngăn ngừa thao túng, luật quy định hạn chế thành viên góp vốn lớn vào HTX với tỷ lệ tối đa 20% hay 30%, mặc dù đặc trưng của mô hình HTX là đối nhân, mỗi người chỉ một phiếu biểu quyết duy nhất, không phụ thuộc vào vốn góp bao nhiêu. Mặt khác, dự thảo luật HTX lại có những quy định bất cập và có phần nghịch lý khiến tính dân chủ bình đẳng bị coi nhẹ, khiến cho tính minh bạch của HTX bị suy giảm, bị hạn chế (?!).

Tương tự, bên cạnh quy định cho phép thuê Trưởng ban kiểm soát HTX là quy định cho phép đại hội đại biểu thay thế đại hội toàn thể thành viên, đã được phân tích kỹ trong bài đăng kỳ trước. Điều này không biết do vô tình, vô ý hay vì thói quen kế thừa, nhưng sẽ tạo ra những kẽ hở để chính một vài cá nhân trong HTX có thể thao túng HTX một cách hợp pháp như chỉ mời người “bên mình” là đại biểu dự Đại hội hay chủ ý thuê người ngoài làm Trưởng Ban kiểm soát để tránh bị giám sát nội bộ,…

Rõ ràng, nếu điều đó có xảy ra, thì nguy cơ về sự “biến tướng”, “biến dạng” hay sự “trục lợi” nào đó sẽ càng lớn hơn trên thực tế. Lợi thế về tính dân chủ bình đẳng của mô hình HTX khi đó cũng bị hạn chế. Và đây chính là hậu quả của những nghịch lý, bấp cập hay kẽ hở mà dự thảo luật HTX sửa đổi cần loại bỏ. 

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top