Một khối liên kết trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX giữa 5 thành phố lớn nhất cả nước gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ vừa được thành lập, mang theo kỳ vọng trở thành “đầu tàu” dẫn dắt, tạo động lực bứt tốc cho khu vực kinh tế này trong thời gian tới.
Khối liên kết giữa 5 thành phố có sức mạnh kinh tế hàng đầu được đánh giá là “làn gió” đến đúng lúc, mang sứ mệnh và vai trò đặc biệt quan trọng giúp khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên cả nước nâng cao hiệu quả trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Liên kết là sức mạnh
Nội dung chương trình phối hợp của nhóm được ký kết ngày 31/3, bao gồm nhiều hạng mục quan trọng, tuy nhiên tập trung vào 6 mục tiêu mũi nhọn.
Thứ nhất, phối hợp trao đổi kinh nghiệm công tác tham mưu về đổi mới, nâng cao hiệu quả, chính sách hỗ trợ cho HTX; Thứ hai, phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX; Thứ ba, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu ban hành các chính sách phát triển HTX; Thứ tư, đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các phong trào thi đua; Thứ năm, nhân rộng mô hình HTX điểm; Thứ sáu, triển khai hoạt động của các trung tâm, quỹ hỗ trợ trực thuộc.
Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khốc liệt, liên kết chính là chìa khóa giúp các HTX nâng cao sức chống chịu, bắt tay xây dựng các chuỗi sản xuất hiệu quả, duy trì đà tăng trưởng, ổn định sản xuất, tạo ra giá trị cao hơn cho thành viên”.
Nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập của thành viên, khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong nền kinh tế quốc dân cũng là mục tiêu cốt lõi, thúc đẩy khối liên kết giữa 5 thành phố.
Đồng quan điểm, ông Ngô Ngọc Khánh, Chủ tịch Liên minh HTX Hải Phòng, cho hay trong thời gian tới, thành phố cảng phát triển theo 3 trụ cột gồm: công – nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, thương mại dịch vụ.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết với kinh tế hợp tác, HTX, đòi hỏi các đơn vị cần có chiến lược để vừa chủ động vượt qua thách thức, vừa tận dụng cơ hội.
“Thuận lợi có, khó khăn có. Việc này đòi hỏi cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Trước hết là với 5 thành phố lớn, nếu 5 thành phố không phát triển thì cả nước không phát triển, ngược lại sẽ tạo ra những đầu tàu dẫn dắt cả hệ thống cùng đi lên”, ông Khánh khẳng định.
Cần nhấn mạnh, kể từ trước tới nay, kinh tế hợp tác luôn được coi là một trong những trụ cột của nền kinh tế, trong đó HTX là nòng cốt. Vấn đề đặt ra là làm sao để hiện thực hóa tính “trụ cột” này. Và, câu trả lời là cần liên kết, trước hết phải dành nguồn lực đủ lớn để nâng cao hiệu quả của khối liên kết giữa các thành phố trực thuộc Trung ương, vốn đang là những đầu tàu phát triển kinh tế .
Để nâng cao hiệu quả của khối liên kết giữa 5 thành phố, cả 5 vị đại diện Liên minh HTX của 5 thành đều đồng ý cần đẩy nhanh các hạng mục trong nội dung ký kết, đặc biệt là 6 nhóm nội dung chính được nêu ở trên. Các đại biểu đề xuất “cụ thể hóa cho mỗi thành phố chủ trì 1 nhiệm vụ”.
Việc cụ thể hóa này giúp mỗi thành phố có trách nhiệm hơn, hiệu quả cao hơn. Đồng thời, cần chia việc thực hiện các nội dung làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tới năm 2025, giai đoạn sau là tầm nhìn đến 2030.
“Mỗi tỉnh, thành đều có những khó khăn riêng, rất nhiều thách thức. Vì vậy, việc thành lập khối liên kết sẽ là cơ hội để chúng ta làm nổi bật vai trò liên minh 5 thành phố lớn. Đồng thời, cũng đề nghị Liên minh HTX Việt Nam có sự đồng hành, cơ chế, chính sách thiết thực hơn. Từ đó, 5 thành phố thực sự phát huy vai trò đầu tàu”, các đại diện 5 thành phố thống nhất quan điểm.
“Chìa khóa” vượt thách thức
Ở góc nhìn của HTX thành viên, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không tổ chức sản xuất, kinh doanh nào đủ sức đứng một mình, mà đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ nhằm nâng cao nội lực.
Đây cũng là lý do vì sao Liên minh HTX TP. Hà Nội đang có 6 câu lạc bộ HTX theo ngành, lĩnh vực, quy tụ 370 thành viên tham gia, trong đó câu lạc bộ Quỹ tín dụng đông nhất với 93 thành viên, câu lạc bộ thương mại dịch vụ ít nhất với 24 thành viên.
“Chúng tôi mong muốn liên kết giữa 5 thành phố lớn nhất cả nước sẽ mở ra cơ hội cho các HTX trên cả nước giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt là cơ hội kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao nội lực sản xuất, từ đó cùng phát triển”, ông Đức kỳ vọng.
Thực tế, việc thúc đẩy liên kết để nâng cao nội lực đã được khu vực kinh tế hợp tác, HTX triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Điển hình, trong năm 2022, để tạo đòn bẩy cho quá trình phục hồi, 17 tỉnh, thành phía Bắc đã ký cam kết cùng đồng hành, chia sẻ nhằm nâng cao vị thế cho HTX trong nền kinh tế thị trường.
Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội, cho hay giữa muôn vàn khó khăn, chính sự liên kết đã và đang giúp khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên cả nước giữ vững được đà tăng trưởng và có những chuyển biến đầy tích cực trong năm 2022 và quý đầu năm 2023.
Điển hình như tại Hà Nội, các HTX nông nghiệp ngày càng lớn mạnh. Đơn cử, HTX Dương Liễu, huyện Hoài Đức đang thu hút 2.459 thành viên, người lao động. Doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Hay như HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai với chuỗi chăn nuôi lợn sinh học. Quy mô trên 4 nghìn con/năm, HTX đã đem lại công việc thường xuyên cho 10 thành viên với mức lương bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương.
Các HTX phi nông nghiệp cũng ngày càng nâng tầm, điển hình như HTX công nghiệp Nhật Quang, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chuyên sản xuất các thiết bị, sản phẩm bảo hộ lao động, duy trì tạo công ăn việc làm cho 30-40 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/lao động.
Dù đang đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, đại diện của 5 thành phố trực thuộc Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, khu vực HTX còn rất nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Điển hình trong đó là khả năng phát huy nguồn lực con người.
Theo đó, trong thời gian tới, trước khi nghĩ tới những mục tiêu cao hơn, Liên minh HTX các tỉnh, thành cần chính sách hỗ trợ các đơn vị thành viên đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có con người tốt, việc phát huy các nguồn lực khác cũng trở nên thuận lợi hơn.
Bên cạnh việc phát huy nguồn lực con người, để nâng cao vị thế của khu vực kinh tế hợp tác, HTX cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn về đất đai, vốn vay, công nghệ cao…