Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, HTX trong lĩnh vực vận tải đã bị ảnh hưởng vì khó đăng kiểm xe trong thời gian dài vừa qua. Vì vậy, cần có giải pháp dài hạn để tháo gỡ những bất cập trong đăng kiểm hiện nay.
Theo ước tính, giai đoạn tháng 3 sẽ có 50.000 xe đến hạn đăng kiểm, tháng 4 là 85.000 xe. Trong khi đó, số liệu của Cục Đăng kiểm cho biết trên cả nước có tổng số 281 trạm đăng kiểm và đến ngày 20/3 đã có 80% trạm đăng kiểm đã hoạt động trở lại nhưng số lượng dây chuyền hoạt động trở lại mới chỉ đạt khoảng 73%.
Nhiều bất cập
Như vậy, vấn đề ùn tắc đăng kiểm vẫn chưa được giải quyết dứt diểm, dù tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài.
Ngày 22/3, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 theo hướng miễn kiểm định đối với ô tô mới và kéo dài chu kỳ kiểm định của nhiều loại xe. Vậy nhưng theo các HTX vận tải, vẫn còn rất nhiều khó khăn và bất cập cả về trước mắt và lâu dài trong đăng kiểm nên cần cái nhìn khách quan và xuyên suốt hơn của các nhà quản lý.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Giám đốc HTX Vận tải Thương mại Dịch vụ Du lịch Sen Việt (TP HCM) cho biết, khó khăn trong đăng kiểm đối với HTX là một số xe vận chuyển học sinh trên đường đưa đón chỉ có bảo mẫu và lái xe, không có phụ xe. Chính vì vậy, dù xe vốn là cửa cơ nhưng trong quá trình sử dụng đã được chuyển thành cửa điện tử nhằm thuận tiện cho việc đóng, mở đưa đón học sinh.
Vì thế, khi đi đăng kiểm, thành viên HTX phải xếp hàng lấy số 3 ngày, đến khi vào đăng kiểm thì bị loại do cửa không đúng thiết kế ban đầu.
HTX buộc phải sửa lại, xếp hàng lấy số đăng kiểm từ đầu, vừa tốn kém chi phí, vừa ảnh hưởng đến việc đưa đón khách du lịch và học sinh. “Trong khi việc chuyển từ cửa cơ sang cửa điện tử mang nhiều ưu điểm, không ảnh hưởng đến an toàn hay vấn đề lưu thông trên đường nên cơ quan quản lý cần xem xét tạo điều kiện cho HTX và các đơn vị vận tải khác trong vấn đề này”, bà Trang nói.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc HTX vận tải du lịch Trường Sơn, cho biết xe phải được đăng kiểm mới xin được phù hiệu chạy, nếu không xin được thì không thể lưu thông. Quy định này làm cho một xe hoàn thiện thủ tục có thể mất thời gian đến 30 ngày.
“Do đó, cơ quan quản lý cần có những biện pháp hỗ trợ cho ngành vận tải một cách kịp thời”, ông Lâm bày tỏ.
Lược bớt để tránh rườm rà
Theo chia sẻ của các chuyên gia, ước tính một xe nếu không bảo đảm kết cấu và phải đi sửa chữa lại, chủ xe sẽ tốn ít nhất 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề chi phí là một phần, phần mà nhiều HTX quan tâm còn là thời gian sửa chữa, đi đăng kiểm.
Nếu đăng kiểm mất 5 ngày, đồng nghĩa với xe dừng hoạt động từng đó thời gian khiến HTX mất doanh thu, gây thiệt hại về kinh tế, tạo áp lực về tinh thần cho thành viên và người lao động.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, cho biết các nội dung, tiêu chí trong hoạt động đăng kiểm hiện nay cụ thể, chi li đến mức gây phức tạp, tốn kém và kéo dài thời gian không cần thiết cho người dân, HTX, doanh nghiệp vận tải. Chính vì vậy, Cục Đăng kiểm nên xem xét lại các tiêu chí, quy trình để giảm bớt thủ tục và áp lực cho chủ phương tiện.
“Ùn ứ đăng kiểm khó có thể giải quyết nhanh được nên nếu quy định nào ảnh hướng đến an toàn giao thông thì có thể giữ, còn quy định nào ảnh hưởng đến thời gian đăng kiểm thì nên bỏ. Chẳng hạn như lốp vỏ xe trong trạm đăng kiểm cũng nên có các bộ phận sửa chữa tại chỗ”, ông Quản nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng Nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cần gấp rút chỉnh sửa. Trong đó, nên loại bỏ những quy định không liên quan đến công suất, khả năng an toàn vận hành… trong quy trình đăng kiểm.
Mỗi chiếc xe ô tô, cơ quan đăng kiểm chỉ cần quan tâm đến công suất động. Nếu bị thay đổi nâng công suất khác so với công suất thiết kế ban đầu sẽ không đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định an toàn.
Ngoài ra, cơ quan đăng kiểm cần quan tâm đến hệ thống phanh (phanh tay), hệ thống chuyển hướng, hệ thống lái, hệ thống đèn vì đây là những bộ phận bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành. Đi cùng với đó là về khí thải đòi hỏi đạt tiêu chuẩn cho phép xả thải ra môi trường.
Còn lại những vấn đề khác không ảnh hưởng đến điều kiện khí thải, công suất kỹ thuật, an toàn vận hành, kết cấu thì không nên đưa vào quy trình kiểm định.