Có chứng nhận xã hội được coi là một điểm cộng để giành được sự chú ý từ người mua, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn chứng nhận xã hội nào giữa “vô vàn” chứng nhận trên thị trường vẫn khiến không ít HTX bối rối.
Hiện nay, mỗi lĩnh vực, ngành hàng đều có những tiêu chuẩn chứng nhận xã hội riêng như chứng nhận nhãn sinh thái cánh buồm xanh (du lịch), chứng nhận sinh thái, chứng nhận công bằng xã hội…
Dựa vào mục tiêu
Ngoài ra còn có hàng loạt các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội như BSCI, SA 8000, SMETA, ISO 45001:2018, WRAP, WCA, ETI… Riêng tiêu chuẩn ISO cũng có hàng loạt các tiêu chuẩn nhỏ như ISO 2000, ISO 45001, ISO 9001, ISO 14000… Còn tiêu chuẩn quốc gia về trách nhiệm xã hội thì có TCVN ISO 26000:2013; TCVN ISO 14001: 2015; TCVN ISO 9001: 2015…
Ông Trương Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đăng Hưng Phước (Tiền Giang), cho biết hiện nay có rất nhiều chứng nhận xã hội trên thị trường, làm cách nào để có thể chọn được chứng nhận phù hợp nhất cho HTX là suy tư chung của các thành viên.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu nông sản, hàng hóa ra thị trường quốc tế, ngoài việc có chứng nhận về chất lượng sản phẩm như chứng nhận hữu cơ, chứng nhận bio, chứng nhận tự nhiên…, các HTX còn cần quan tâm nhiều hơn đến các chứng nhận xã hội. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh đối với HTX vì mô hình kinh tế này vốn yếu thế hơn so với doanh nghiệp về nguồn vốn, nhân lực… Người tiêu dùng quốc tế luôn sẵn sàng trả giá cao cho những mô hình sản xuất chuyên nghiệp, những sản phẩm chất lượng cao và có trách nhiệm xã hội.
Tuy nhiên, muốn lựa chọn chứng nhận xã hội nào phù hợp với nhu cầu của HTX, các thành viên cần phải xác định rõ được mục tiêu của mình và so sánh các tiêu chuẩn khác nhau hiện có để xem tiêu chuẩn nào giúp HTX đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh…
Chẳng hạn, nếu HTX có một đối tác muốn nhập nông sản và họ muốn HTX đạt chứng nhận theo một tiêu chuẩn cụ thể nào đó trước khi HTX có thể trở thành nhà cung cấp, HTX cần xem xét khả năng của mình để hoàn thiện chứng nhận mà nhà nhập khẩu đó yêu cầu. Hoặc HTX cũng có thể sử dụng các tiêu chuẩn khác để thâm nhập thị trường mới hay phân biệt mình với đối thủ cạnh tranh.
Cụ thể như xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm, nông sản vào Bắc Âu, thị trường này yêu cầu cơ sở sản xuất phải được chứng nhận về tuân thủ xã hội bởi bên thứ ba.
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết, thị trường Bắc Âu ưa chuộng và quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chuẩn như: SA8000 về Trách nhiệm Xã hội (SAI) và Sáng kiến Tuân thủ Xã hội của Doanh nghiệp (BSCI) nên HTX, doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường thì cần chú trọng các chứng nhận này.
An toàn thực phẩm được quan tâm
Theo khảo sát của Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT), nhiều khách hàng, đối tác đã nhận định và cho biết giữa hai đơn vị cùng chất lượng, họ sẽ chọn đơn vị đạt chứng nhận an toàn thực phẩm với ISO 22000 – có nhiều tiêu chí xã hội.
Điều này cho thấy, giữa rất nhiều chứng nhận xã hội, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 vẫn được nhiều khách hàng quan tâm hơn cả.
Đặc biệt, chứng nhận này không chỉ phù hợp với các HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản mà còn phù hợp với cả HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, suất ăn công nghiệp, quán cà phê…
Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp hội thực phẩm minh bạch), cho biết trước đây, HTX chỉ cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là đủ. Nhưng hiện nay đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn một loại chứng nhận khác có giá trị quốc tế và nâng cao được uy tín của đơn vị sản xuất, đó là ISO 22000.
Tiêu chuẩn ISO 22000 được áp dụng cho mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm, từ sản xuất đến giao hàng, và cũng phù hợp với định hướng phát triển chuỗi giá trị hàng hóa nông sản. Chính vì vậy, các HTX cần biết điều này để giữ chân khách hàng và mở rộng kinh doanh thành chuỗi thương hiệu khắp Việt Nam và vươn ra nước ngoài.
Hiện đã có những HTX đạt chứng nhận ISO 22000 như HTX chè an toàn Long Cốc (Phú Thọ), HTX Tài Hoan (Bắc Kạn), HTX công bằng Ea Tu (Đăk Lăk)…, từ đó tự tin mở rộng thị trường không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài.
Mặc dù ISO 22000 mang lại nhiều thành công cho HTX và không phân biệt quy mô, vậy nhưng việc áp dụng tiêu chuẩn này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trong đó, thói quen vệ sinh và tính tự giác áp dụng các tiêu chuẩn của người lao động và thành viên HTX khi tiếp xúc trực tiếp với nông sản, thực phẩm là điều quan trọng nhưng lại không dễ thay đổi đối với không ít HTX hiện nay.
Bên cạnh đó, việc thông tin lẫn nhau trong chuỗi cung cấp nông sản, thực phẩm về nguy cơ/mối nguy nào đó của HTX không dễ thực hiện được trong điều kiện hiện nay khi mà vẫn còn các đơn vị sản xuất cũng như người tiêu dùng (nhất là người tiêu dùng trong nước) nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề vệ sinh an toàn đối với thực phẩm mà họ sản xuất/tiêu dùng.