Cần Thơ hiện có lợi thế khi có 34.000ha lúa của các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các huyện trồng lúa trọng điểm tham gia Dự án VnSAT và một số cánh đồng mẫu lớn đã áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tốt.
Ngày 21/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức họp triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao) từ nay đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhận định, Cần Thơ hiện có lợi thế khi có 34.000ha lúa của các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các huyện trồng lúa trọng điểm Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh tham gia Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) và một số cánh đồng mẫu lớn đã áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tốt như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, VietGAP, GlobalGAP, sản xuất lúa bền vững (SRP)…
Theo đó, trách nhiệm của Cần Thơ khi tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao là góp phần cùng 11 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra được 6,2 triệu tấn lúa chất lượng cao, tương đương 3,8 triệu tấn gạo vào năm 2025; đến năm 2030 sản lượng lúa chất lượng cao đạt khoảng 12,4 triệu tấn, tương đương khoảng 7,7 triệu tấn gạo.
Thành phố Cần Thơ đã lập kế hoạch tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 27.000ha diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030 sẽ đạt 50.000ha lúa chất lượng cao.
Để thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, việc cần làm lúc này là vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi; liên kết với doanh nghiệp xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để giảm phát thải khí nhà kính để lấy được tín chỉ carbon;…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị, 3 huyện trồng lúa trọng điểm của thành phố Cần Thơ (Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh) từ nay đến năm 2025 rà soát lại 34.000ha lúa tham gia Dự án VnSAT, thống kê cụ thể từng hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao; đề xuất chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia; đánh giá mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của các hợp tác xã để có hướng hỗ trợ phù hợp; tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp tham gia liên kết chuỗi sản xuất lúa trong Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển nông nghiệp, tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao trình UBND thành phố xem xét hỗ trợ.
“Nếu làm tốt những vấn đề trên sẽ giúp chất lượng lúa tăng, kéo theo lợi nhuận của nông dân tăng theo. Người nông dân bán được tín chỉ carbon sẽ rất vui mừng. Doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sẽ tạo được sự bền vững của chuỗi sản xuất lúa”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận định.
Tại cuộc họp, đại diện 3 huyện trọng điểm sản xuất lúa của thành phố Cần Thơ (Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh) hưởng ứng với việc tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Các địa phương đều kỳ vọng, đề án sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa ở địa phương; giảm được lượng giống, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng nước…
Tuy nhiên, các địa phương cũng mong muốn được ngành nông nghiệp hướng dẫn rõ hơn việc triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao: tiêu chí tham gia để được cấp tín chỉ carbon, diện tích lúa tham gia Đề án của từng địa phương,…
Theo quan điểm xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất trồng lúa; giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, cốt lõi của đề án là làm sao để thực hiện thành công chuỗi liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; tăng thu nhập cho người trồng lúa./.