Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các Hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác (THT), khắc phục được căn bản những bất cập hiện nay, tạo điều kiện cho các HTX tích tụ ruộng đất phát triển theo hướng công nghệ cao, kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững.
PV: Thưa ông, có thể thấy vốn và đất đai là 2 yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Mặc dù vậy, hiện tỷ lệ các HTX tiếp cận với nguồn lực đất đai lại rất thấp. Với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, Liên minh HTX có ý kiến như thế nào để thời gian tới các HTX được tiếp cận với nguồn lực này tốt hơn?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: KTTT bao gồm các THT, HTX và Liên minh HTX đang phát triển rất mạnh mẽ. Đến cuối năm 2022 cả nước đã có trên 3 vạn HTX, 120 nghìn THT và 120 Liên hiệp HTX. Hiện nay với trên 10 triệu hộ thành viên của các HTX, THT cùng với các HTX đang sử dụng diện tích đất rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Cùng với việc đã và đang có nhiều thuận lợi, trong chính sách đất đai cũng đã bộc lộ rất nhiều vướng mắc và chúng tôi kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ giải quyết căn cơ những vấn đề hiện nay. Chẳng hạn như vấn đề về sở hữu chung quyền sử dụng đất giữa các thành viên khi góp vốn bằng đất vào vốn điều lệ, hoặc quyền sử dụng đất chung của các THT, HTX; vấn đề chuyển đất đang sản xuất làm trụ sở, cơ sở chế biến; hoặc là chuyển các vùng đất nông nghiệp ở các HTX đang nằm ở khu vực đô thị hóa chuyển sang lĩnh vực khác về công nghiệp và dịch vụ.
Vấn đề thể chế hóa đầy đủ các chính sách ưu đãi về đất đai trong Nghị quyết số 18, 19, đặc biệt là Nghị quyết 20 của Đảng mới ban hành về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng về đất đai, các không gian về đất đai để đảm bảo cho phát triển sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh và tuần hoàn.
Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kỳ này chúng tôi thấy đang có một khoảng trống, đó là chưa có một quy định phù hợp đặc thù cho khu vực KTTT, HTX. Liên minh HTX đã lấy ý kiến của các HTX trên địa bàn cả nước để kiến nghị với Quốc hội trong dự thảo Luật cần có một chương quy định riêng đối với đất đai của HTX, THT, Liên hiệp HTX. Qua đó thể chế hóa đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các HTX, Liên hiệp HTX, THT, khắc phục được căn bản những bất cập hiện nay để tạo điều kiện cho các HTX tích tụ tập trung ruộng đất phát triển theo công nghệ cao, kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
Hiện nay, các HTX đang gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng thương mại. Vậy, theo ông đâu là điểm nghẽn lớn nhất đối với các HTX?
– Hiện nay, một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho các HTX rất hạn chế trong việc tiếp cận vốn tín dụng, các dự án đầu tư chính là vấn đề quyền sử dụng đất của các HTX. Trên thực tế, các HTX mới thành lập từ năm 2012 trở lại đây gần như không có đất sở hữu của mình hoặc thuộc quyền sử dụng của mình mà chủ yếu là đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của các thành viên. Nhiều HTX cũng không có đất để làm trụ sở, cơ sở chế biến, bởi mọi khoản giao đất cho thuê đất đều qua đấu thầu mà các HTX không thể thắng thế được các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn.
Thứ nữa là các thành viên bảo lãnh cho các HTX đi vay vốn bằng quyền sử dụng đất của mình cũng đang có nhiều vướng mắc và tùy thuộc vào sự giải quyết hay không của các tổ chức tín dụng mà chưa thành một chính sách mang tính chất hỗ trợ, thúc đẩy.
Theo ông, tới đây vấn đề này phải được tháo gỡ như thế nào?
– Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, chúng ta phải thể chế hóa trong Luật các quyền sở hữu chung liên quan đến quyền sử dụng đất của HTX, THT, Liên hiệp HTX cần phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất. Thứ hai là tạo điều kiện cho việc tích tụ tập trung ruộng đất thành vùng chuyên canh lớn. Thứ ba là có những hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc bảo lãnh vay vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình thành viên HTX.
Một điểm quan trọng nữa là cần có quy hoạch. Trong quyền sử dụng đất cần có quy hoạch về chuỗi giá trị các nông sản chủ lực quốc gia hoặc cấp tỉnh để tổ chức sản xuất theo chuỗi. Theo đó các HTX sẽ ký hợp đồng đầu ra đầu vào một cách bền vững và các doanh nghiệp thu mua chế biến có thể bảo lãnh cho các HTX vay vốn hoặc ứng trước vốn để tổ chức sản xuất theo chuỗi bền vững hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!