Liên kết tạo việc làm, tăng thu nhập 

Chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, phấn khởi nói: “Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Hội Phụ nữ xã kịp thời xây dựng và củng cố các mô hình tổ liên kết, cơ sở gia công để kết nối, tập hợp phụ nữ. Qua đó, giúp chị em sử dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi, có việc làm, tăng thu nhập”.

Cán bộ Hội LHPN xã trao đổi với chị Thu Nga (bên phải) về định hướng nhân rộng mô hình Tổ liên kết Ðan dây nhựa trên địa bàn.

Vừa sắp xếp xong 400 thành phẩm chân ghế, mặt bàn đan dây nhựa để giao hàng đợt đầu tiên sau Tết Quý Mão, chị Võ Thị Thu Nga, Tổ trưởng Tổ liên kết Ðan dây nhựa ấp Thới Hòa B, tận tình hướng dẫn chị Nguyễn Thị Lệ, thành viên tổ liên kết, cách luồn dây nhựa nhanh, thẳng hàng, không bị lỗi. Chị Lệ bộc bạch: “Lúc mới học tưởng khó nhưng sau 10 ngày tôi đan được rồi. Nghề đan dây nhựa giúp tôi có thêm thu nhập để chi tiêu hằng ngày”.

Chị Thu Nga kể, khoảng 4 năm trước, chị tham gia học lớp nghề đan lục bình và đan dây nhựa do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức. Sau đó, vừa đan sản phẩm cho cơ sở sản xuất, chị Nga vừa học lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật nghề đan dây nhựa. Ðể giúp chị em sử dụng hiệu quả thời gian nông nhàn, Chi hội phụ nữ ấp tổ chức dạy nghề đan dây nhựa cho các chị có nhu cầu việc làm, thu nhập. Thời gian đầu, hầu hết chị em đều bỡ ngỡ, lúng túng với khung sắt, dây nhựa, ốc vít… nhưng khoảng 10 ngày, mọi người quen dần và từng bước rành nghề, làm ra sản phẩm đẹp, đúng yêu cầu về mẫu mã. Chị Nga chủ động liên hệ cơ sở sản xuất ở huyện Cờ Ðỏ để nhận các đơn hàng, cung ứng cho công ty ở tỉnh Bình Dương. Thời gian hoàn thành mỗi đơn hàng từ 300-400 sản phẩm là 20 ngày.

Tháng 8-2022, Hội LHPN xã Xuân Thắng tổ chức ra mắt Tổ liên kết Ðan dây nhựa ấp Thới Hòa B, với 22 thành viên, do chị Thu Nga làm tổ trưởng. Hầu hết thành viên làm ruộng, làm mướn kiếm sống nên có nguyện vọng tham gia tổ liên kết, nhận hàng về để cả nhà cùng làm, góp phần tăng thu nhập. Mỗi tháng, thu nhập bình quân từ 1,2-2,4 triệu đồng/người. Chị Nga trực tiếp đôn đốc các thành viên choàng gánh, chia sẻ công việc, hoàn thành đơn hàng, giữ uy tín để có hợp đồng thường xuyên, lâu dài. Anh Huỳnh Công Toàn, ở ấp Thới Lộc, cho biết: “Hai năm trước, tôi tốt nghiệp trung cấp nghề quản trị mạng máy tính nhưng do gia cảnh, sức khỏe nên không đi làm mà ở nhà phụ mẹ làm ruộng, nuôi heo. Tôi và mẹ tham gia Tổ liên kết Ðan dây nhựa, mỗi tháng thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người”. Ban ngày bận rộn với công việc giữ trẻ, chị Võ Thị Thu Lan ở ấp Thới Hòa B, tranh thủ nhận hàng đan vào buổi chiều tối để kiếm tiền, phụ chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Theo chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, mô hình sản xuất, gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc phù hợp nguyện vọng nhiều chị em, người lao động. Bên cạnh hỗ trợ 19 tỉ đồng vốn vay cho 510 chị phát triển sản xuất, mua bán, Hội khuyến khích chị em tranh thủ thời gian nông nhàn tham gia các mô hình tổ liên kết để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Hội Phụ nữ xã đang duy trì hoạt động cơ sở may túi xách (12 chị), mô hình bóc vỏ hạt sen (12 chị) và chuẩn bị nhân rộng mô hình Tổ liên kết Ðan dây nhựa tại ấp Thới Xuân, bước đầu thu nhận khoảng 10 chị. Chị Kim Liên kiến nghị, các ngành, đoàn thể hỗ trợ khâu kết nối, tạo điều kiện để Hội Phụ nữ xã tổ chức thêm nhiều mô hình sản xuất, gia công các mặt hàng, sản phẩm… nhằm thu hút chị em tham gia sinh hoạt, lao động tại chỗ theo định hướng “ly nông không ly hương”.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Mai Thy

All in one
Lên đầu trang