Quy hoạch nông nghiệp thiết thực giúp cung-cầu gặp nhau

Nông nghiệp có phát triển hay không và người dân, thành viên HTX có sống được bằng nông nghiệp hay không là nhờ phần lớn vào vấn đề quy hoạch sản xuất.

Vậy nhưng, trong suốt thời gian qua, vấn đề này dường như chưa đi vào thực tiễn nên mới dẫn tới tình trạng nông dân, HTX sản xuất nhưng cung vượt cầu, diện tích một số cây trồng tăng chóng mặt.

Chưa sát thực tế

Phát triển nông nghiệp không thể chạy theo số lượng bằng việc tăng quy mô, diện tích đơn thuần mà phải theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, Nhà nước đã có chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các tỉnh, thành phố đều đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện quy hoạch phát triển ngành hàng với các cây, con chủ lực vốn là thế mạnh của từng địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, không ít địa phương vẫn chưa có kế hoạch, chưa xác định được rõ ràng đâu là cây-con chủ lực, diện tích, số lượng cụ thể bao nhiêu, thị trường đầu ra như thế nào. Chính vì vậy mà ngành nông nghiệp, chính quyền nhiều tỉnh, thành dù là có định hướng cho người dân, HTX phát triển sản xuất nhưng mới chỉ dừng ở sản xuất theo phong trào, làm vì số lượng mà chưa thực sự quan tâm giá trị mà người dân, HTX sẽ đạt được khi chuyển đổi.

Chính vì vậy mà nhiều nông sản, sản phẩm sản xuất ra nhưng tiêu thụ khó khăn hoặc vẫn còn sản xuất theo tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy chuẩn hàng hóa nên khó đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Những vấn đề này đã lặp đi lặp lại nhiều lần và tạo ra lối mòn trong sản xuất. Nhiều nông sản dù là sản phẩm chủ lực của địa phương và của cả nước vẫn có thời điểm rơi vào tình trạng mất giá như tiêu, cà phê, thanh long, mít…

Theo các chuyên gia, những năm qua, không chỉ một vài nông sản mà rất nhiều nông sản khác của Việt Nam mới chỉ tập trung vào việc tăng diện tích và sản lượng, chưa chú trọng chất lượng nên giá trị không cao, gây mất cân đối cung – cầu.

Việc cơ quan quản lý có số liệu rõ ràng sẽ giúp quá trình quy hoạch sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, từ đó giải quyết được vấn đề khơi thông đầu ra cho nông sản.

Điều này là do các cơ quan quản lý nhà nước và các tỉnh, thành thường không nắm được kịp thời và chính xác về sản lượng nông sản chủ lực, về thị trường, khả năng tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu dẫn đến định hướng sản xuất chưa đúng với thị trường. Nhiều địa phương cũng mới chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo, chưa có giải pháp phù hợp, cụ thể cho người dân, thành viên HTX trong việc chuyển đổi sản xuất trên từng loại cây trồng, vật nuôi nên tình trạng dồn ứ nông sản khi đến mùa thu hoạch vẫn xảy ra.

Tiêu biểu như việc giải cứu Cam sành ở Vĩnh Long gần đây, các ngành chức năng mới chỉ đưa ra khuyến cáo, chưa giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, HTX một cách phù hợp. Và thực tế cho thấy, dù khuyến cáo hay cảnh báo thì việc này cũng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Nắm bắt thị trường

Theo các chuyên gia, việc một ngành hàng nông sản có sản xuất được bền vững hay không phần lớn là do thị trường quyết định. Chính vì vậy, để có quy hoạch phù hợp, thuyết phục được người dân, HTX và mang lại hiệu quả sản xuất thì chính các ngành chức năng phải nắm bắt được thông tin, nhu cầu thị trường cho từng loại nông sản.

Còn việc người dân, HTX chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không phù hợp, phá vỡ quy hoạch là có trách nhiệm không nhỏ của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương.

Chính vì vậy, thay vì chỉ dừng ở mức độ cảnh báo, khuyến cáo những hệ quả khi tăng diện tích, các ngành chức năng nên tìm cách để giúp người dân nắm bắt được thông tin thị trường về số lượng, chất lượng, những quy định cần thiết khi đưa nông sản ra từng thị trường.

Khi biết được những điều này, nông dân, thành viên HTX sẽ chủ động điều chỉnh hoặc cân nhắc trong sản xuất, từng bước từ bỏ kiểu sản xuất theo thói quen, chạy theo giá. Bởi không một nông dân, thành viên HTX nào muốn đầu tư cho cây trồng, vật nuôi để đến khi thu hoạch thì sản phẩm bị rớt giá, phải chờ giải cứu.

Đi liền với đó, các doanh nghiệp cần loại bỏ phương thức kinh doanh, xuất khẩu theo kiểu buôn chuyến, bán đoạn. Bởi làm theo cách này, khi thị trường biến động hoặc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nông sản sẽ ngay lập tức bị dồn ứ, ế ẩm và người dân, thành viên HTX sẽ bị thua thiệt.

Thay vào đó, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với HTX dựa trên nền tảng về thị trường và khả năng thực tế của nông dân, HTX và doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Khi doanh nghiệp, cơ quan quản lý nắm bắt nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ đặt hàng nông dân, HTX sản xuất với số lượng cụ thể. Như vậy, nông dân, HTX cũng có kế hoạch rõ ràng cho việc tăng-giảm diện tích, hạn chế được tình trạng cung vượt cầu.

Ông Đỗ Hồng Quân, nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, nhiều nước có số liệu nông nghiệp cụ thể nhằm định hướng cho người dân và quy hoạch rõ ràng cho phát triển nông nghiệp.

Điển như Trung Quốc: có dữ liệu nông sản rất chi tiết, kịp thời từ diện tích, nhà ai trồng, trồng như thế nào, trồng thêm bao nhiêu… nhờ đầu tư làm web mở để cán bộ nông nghiệp xã hàng ngày có trách nhiệm cập nhật (điều chỉnh) toàn bộ thông tin nông nghiệp trên địa bàn xã.

Thông tin này tự động update lên cấp huyện, cấp Trung ương. Mỗi cấp đều có chuyên gia phân tích dữ liệu kịp thời để đưa ra kế hoạch sản xuất cụ thể. Cấp trung ương có trách nhiệm cập nhật thông tin thị trường, dữ liệu quốc tế.

Chẳng hạn như qua dữ liệu và phân tích thị trường, nước này nhận thấy cần mở rộng 1 triệu ha xoài trong một năm thì cán bộ ngành mở mạng ra thấy thiếu bao nhiêu, cần mở rộng thêm bao nhiêu sẽ thông báo lên hệ thống.

Cán bộ ngành cũng nắm được đặc điểm, điều kiện tự nhiên từng địa phương và đến tận vùng phù hợp trồng cây xoài để tư vấn cho người dân, HTX các yếu tố cần thiết để phát triển diện tích xoài như quy trình, điều kiện thị trường…

Nông dân, HTX tham gia mở rộng thêm diện tích đều phải ký kết rõ ràng để bảo đảm chất lượng, diện tích, sản lượng. Diện tích trồng từ thời điểm nào, ngày giờ nào, có bao nhiêu người tham gia… đều được cập nhật lên hệ thống rõ ràng nên người nông dân được hưởng lợi trong sản xuất và việc quản lý cũng thuận tiện.

Vậy nhưng, Việt Nam đang yếu vấn đề này. Việc điều tra số liệu chủ yếu theo hình thức truyền thống, mất rất nhiều thời gian. Thậm chí khi có số liệu thì số liệu đó đã cũ.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần thay đổi trong việc điều tra số liệu, đi liền với đó là Nhà nước cần quan tâm đến việc phủ mạng internet đến được vùng sâu, vùng xa để việc cập nhật số liệu được nhanh chóng, thay vì làm theo cách truyền thống như hiện nay.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang