Thêm ‘chất xúc tác’ để HTX tận dụng cơ hội từ xúc tiến thương mại

Kinh tế tập thể, HTX là khu vực chủ lực sản xuất ra nông sản phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên để những loại nông sản này đến được tay người tiêu dùng và nâng cao được giá trị thì vẫn chưa phải điểm mạnh của các HTX.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tỷ trọng sản phẩm OCOP do các HTX, THT sản xuất ra đang chiếm 45% tổng số lượng sản phẩm OCOP của cả nước. Ngoài ra, tỷ trọng hàng hóa thiết yếu do khu vực KTTT, HTX làm ra chiếm 28%. Đặc biệt, tỷ trọng lúa gạo do các HTX, THT sản xuất đang chiếm đến 70% tổng sản sản lượng cả nước, còn rau màu và thủy sản chiếm khoảng 30%.

Bỏ ngỏ xúc tiến thương mại

Đóng góp không nhỏ cho thị trường nhưng hàng năm, vẫn có những HTX khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thậm chí phải giải cứu. Đơn cử, HTX Cam sành Phương Thúy Trà Ôn (Vĩnh Long) cũng đang phải đối mặt với việc giá cam giảm xuống còn 3.000-6.000 đồng/kg (tùy loại). Mỗi ngày, HTX cũng chỉ mua và xuất bán được khoảng 20 tấn quả.

Tình trạng này xảy ra ngoài việc do các HTX mở rộng diện tích, một phần còn do khâu xúc tiến thương mại dường như bị bỏ ngỏ. Việc tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái với những mối hàng cũ nên lượng nông sản tiêu thụ chưa nhiều.

Vì chưa chú trọng đến xúc tiến thương mại nên dù nhiều HTX đang liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ nông sản đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng phần lớn nông sản, sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu ở nước ngoài. Trong khi đó, chất lượng nông sản của nhiều HTX không hề thua kém các nước khác.

Nếu quan tâm đến xúc tiến thương mại, đầu ra cho nông sản sẽ rộng mở hơn.

Điều này dẫn đến tình trạng, nông sản của các HTX dù xuất khẩu nhiều nhưng hiện chỉ tập trung tham gia phân khúc thị trường có giá trị thấp. Điển hình như Mỹ, đây là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam nhưng các nông sản xuất sang đây chủ yếu ở dạng thô, tươi như bưởi da xanh, xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa.

Với thị trường Trung Quốc cũng vậy, nông sản của các HTX chủ yếu là xuất tươi và theo đường tiểu ngạch, chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp ở nội địa nước này. Ngay như trái sầu riêng của Việt Nam, hiện mới chỉ vào được một số chợ đầu mối nhưng ở những vùng dân cư thấp, chưa thâm nhập được vào những chợ đầu mối có tiếng ở các thành phố lớn, đông dân cư ở Trung Quốc.

Đi liền với đó, việc tổ chức các buổi xúc tiến thương mại để giới thiệu nông sản, tiếp cận người tiêu dùng ở đất nước tỷ dân hiện cũng rất hạn chế nên phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn cho rằng, khó tìm kiếm các thông tin về nông sản, sản phẩm của Việt Nam.

Cần đầu tư chi phí cho XTTM

Dự báo cho thấy, năm nay, thị trường trong nước và thế giới vẫn còn không ít khó khăn, thách thức thức khó lường. Nếu các HTX chỉ quan tâm đến vấn đề sản xuất, chưa đầu tư cho khâu xúc tiến thương mại thì tình trạng khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ sẽ lại tiếp tục xảy ra, vấn đề ùn ứ, được mùa mất giá sẽ lặp lại.

Sở dĩ xúc tiến thương mại là hoạt động không thể bỏ qua trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững bởi đây được coi là “cầu nối” để HTX tiếp cận thị trường, khách hàng ở trong và ngoài nước, góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu ra.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), chỉ qua việc tham gia một hội chợ ở trong nước, các HTX đều cho rằng, nếu có sự chuẩn bị tốt thì khả năng tiếp cận khách hàng và tỷ lệ người mua sẽ cao hơn.

Tổng kết hội chợ Foodexpo 2022 từ AFT, cho thấy số lượng buyer – đối tác mua tiềm năng là doanh nghiệp chủ động tới gian hàng của các HTX là khoảng 300-500 khách hàng/ngày. Trong đó có 7-8 lượng khách có nhu cầu về xuất khẩu/ngày. Đặc biệt khi tham gia hội chợ xúc tiến thương mại này trong vòng 5 ngày, các HTX thu thập được khoảng 1000 contact của buyer/HTX tham gia.

Những con số trên khẳng định rằng, nếu đầu tư cho xúc tiến thương mại, dù là thực hiện theo cách truyền thống hay ứng dụng công nghệ số thì cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các HTX như: tiếp cận được khách hàng tiềm năng, nắm bắt được thông tin, nhu cầu của khách hàng, thị trường để đổi mới sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu ra.

Theo Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC), nếu bỏ ra 1 USD cho hoạt động xúc tiến thương mại, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ thu về được 87 USD giá trị xuất khẩu và 384 USD đóng góp vào GDP. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư cho xúc tiến thương mại là đầu tư lâu dài và có lãi.

Tuy nhiên, phần lớn các HTX hiện nay cho rằng, do nguồn vốn có hạn, nguồn nhân lực có hạn nên việc đầu tư cho xúc tiến thương mại còn hạn chế. Điều này cũng được Bộ Công Thương nêu rõ, chi phí đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước khác và chưa tương xứng với mức tăng trưởng xuất khẩu.

Ngay như năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,31 tỷ USD, năm 2022 đạt gần 372 tỷ USD nhưng ngân sách chi cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam chỉ bằng 8% của Thái Lan, 1,2% của Hàn Quốc.

Trước thực tế trên, nếu Nhà nước quan tâm bổ sung kinh phí không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cả khu vực KTTT, HTX trong xúc tiến thương mại sẽ giúp nông sản Việt khẳng định được vị trí trên thị trường.

Bởi hiện nay, các HTX dù sản xuất ra số lượng nông sản lớn phục vụ xuất khẩu như gạo, chè, cà phê, tiêu… nhưng hầu hết các nông sản này chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Ngoài ra, việc Nhà nước quan tâm đến xúc tiến thương mại sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp tranh thủ được các cơ hội khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang