HTX thua thiệt vì ‘mắc’ quyền bảo hộ giống thanh long

Suốt từ năm ngoái đến nay, vấn đề tác quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 vẫn chưa được giải quyết khiến người nông dân, HTX sản xuất loại cây trồng này vô cùng bất an. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu loại nông sản này cũng đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì không thể xuất khẩu trong khi đã liên kết với người dân, HTX thu mua loại nông sản này.

Được biết, vào năm 2017, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (lai tạo giống thanh long ruột đỏ LĐ1 và đã được cấp bằng bảo hộ giống vào năm 2016) đã nhượng quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An).

Liệu đã vì lợi ích chung?

Đến thời điểm này, Hoàng Phát Fruit đã thực hiện bảo hộ giống LĐ1 ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, các HTX và doanh nghiệp bao tiêu thanh long để phục vụ xuất khẩu sang 2 thị trường này buộc phải làm việc với Hoàng Phát Fruit để giải quyết vấn đề quyền sở hữu giống.

Vẫn biết mục đích của việc này là nhằm giữ giá và thương hiệu cho thanh long ruột đỏ vào các thị trường lớn ở mức cao, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp. Nhưng theo các HTX, điều đó là chưa thực sự hợp lý vì hiện nay, nhiều nông dân, HTX đang trồng loại cây này không thể xuất khẩu được, đi liền với đó là nhiều thiệt hại về kinh tế.

Mới đây, việc xuất khẩu thanh long của người dân, HTX sang Nhật đã phải dừng lại. Và khi HTX không xuất khẩu được thì rất khó có tiền đóng phí bảo hộ giống.

Ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc HTX Vạn Thành (Long An) chia sẻ, cứ cho là làm việc với Hoàng Phát Fruit để đóng tiền sở hữu giống là đúng và được diễn ra thì vấn đề đặt ra là khi tất cả người dân, HTX, doanh nghiệp đều đóng tiền phí thì liệu Hoàng Phát Fruit có đảm bảo họ sẽ đủ năng lực bao tiêu được toàn bộ số lượng thanh long hay không? Bởi lẽ, diện tích và năng suất giống thanh long này rất lớn. Ngay cả Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng khó có được con số thống kê chính xác diện tích vùng trồng thanh long giống LĐ1 hiện nay là bao nhiêu

Và khi đơn vị này không bao tiêu hết thì người nông dân, HTX sẽ ra sao vì từ trước đến nay, doanh nghiệp luôn nắm đằng chuôi. Lúc đó, chắc chắn người dân, HTX sẽ chịu hậu quả nặng nề. “Việc này đã thực sự vì vấn đề chung và hướng đến sự bền vững như đại diện Hoàng Phát Fruit nói hay không?”, ông Thành băn khoăn.

Thương mại bảo hộ giống có hiệu quả

Bảo hộ giống cây trồng mới (Bảo hộ quyền tác giả giống cây trồng) là một dạng sở hữu trí tuệ. Theo Luật sở hữu trí tuệ và Luật Bản quyền thì khi đơn vị nào mua bản quyền giống thì đơn vị đó được độc quyền sản xuất và phân phối giống này.

Không thể phủ nhận vai trò của sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu thành công một giống cây trồng mới nhưng thực hiện thương mại hóa bản quyền giống cây trồng này cho cá nhân, doanh nghiệp tư nhân như hiện nay đang gây ra nhiều khó khăn.

Bởi trên thực tế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp không đủ khả năng về nhiều mặt như kỹ thuật, nhân lực, kiến thức, quy trình… để quản lý giống sau khi mua. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào đơn vị bảo hộ giống. Trong khi việc phát triển diện tích cây thanh long ở nhiều địa phương một phần là xuất phát từ một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và đang mang về những hiệu quả nhất định.

Nhiều người dân, HTX, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề tác quyền giống thanh long LĐ1.

Trên thế giới hiện nay cũng đã có quốc gia thực hiện thương mại hóa bản quyền giống cây trồng như New Zealand. Nhưng theo một vị nguyên là Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm, việc thương mại hóa bản quyền giống cây trồng ở New Zealand được diễn ra nhưng kiểm soát rất chặt chẽ. Chỉ những đơn vị, cá nhân có năng lực, đủ điều kiện mới được mua lại bản quyền giống cây trồng. Khi đó, không chỉ uy tín thương hiệu của sản phẩm được bảo hộ nâng lên mà về lâu dài, nông dân, HTX sẽ được lợi nhờ bán sản phẩm giá trị cao.

Tuy nhiên ở Việt Nam việc thương mại hóa bản quyền chưa thực sự được chặt chẽ nên dễ dẫn đến tình trạng đòi hỏi, thậm chí trục lợi nên về lâu dài sẽ không thực sự mang lại hiệu quả.

Còn đối với Nhật Bản, việc đăng ký quyền bảo hộ giống đều có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Dù được cấp quyền bảo hộ nhưng đơn vị sở hữu vẫn chia sẻ với các đơn vị khác để tránh tình trạng độc quyền cũng như phát sinh những vấn đề không hay như tranh chấp trong thỏa thuận, đóng phí…

Đặc biệt, việc có sự tham gia của cơ quan quản lý sẽ giúp nhiều doanh nghiệp và tổ chức cá nhân khác có thể sử dụng giống, một mặt giúp loại giống đó có thể bảo đảm sản lượng và diện tích ổn định phục vụ cho nhu cầu thị trường lớn, xuất khẩu.

Có thể thấy, việc bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi là điều cần làm vì khi đơn vị sở hữu quyền bảo hộ sẽ quản lý được diện tích sản xuất, nghĩa là quản lý được đầu ra của giống và các sản phẩm ra từ giống. Điều này giúp giống được bảo hộ không mất giá trị.

Vậy nhưng, cách thức thực hiện tác quyền giống ở Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm cho những người trực tiếp tham gia chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Ngay như việc bảo hộ giống thanh long LĐ1 đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa có hướng giải quyết rõ ràng, cụ thể. Điều này khiến nhiều người dân, HTX doanh nghiệp không thể xuất khẩu thanh long sang Hàn Quốc từ năm ngoái và sang Nhật Bản từ đầu tháng 2 năm nay. Từ đó khiến người dân, HTX mất đi cơ hội từ những thị trường tiềm năng.

Chính vì vậy, các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, giải quyết vấn đề bảo hộ giống thanh long một cách phù hợp thực tiễn để hạn chế thiệt hại cho người dân, HTX, doanh nghiệp. Nếu để quá lâu, e rằng người dân, HTX sẽ thay thế thanh long bằng những cây trồng khác và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tìm những quốc gia khác để liên kết xuất khẩu trái cây.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang