Muốn truy xuất nguồn gốc nông sản của người dân, HTX, việc quét mã QR được coi là phương pháp phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp này có đảm bảo tính chính xác về nguồn gốc xuất xứ hay chưa vẫn là điều băn khoăn với nhiều người tiêu dùng và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và quá trình phát triển của HTX.
Sau khi đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, giá khoai tây của HTX Hương Ngải (Hà Nội) đã tăng gấp rưỡi so với sản phẩm cùng loại ở vùng lân cận.
Biện pháp chống gian lận?
Theo Ban giám đốc HTX Hương Ngải, khi có các thông tin về truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ phần nào xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của HTX.
Vậy nhưng vẫn có những trang trại, HTX chưa mặn mà với việc truy xuất nguồn gốc bởi cho rằng phải mất chi phí, công sức dán tem cho từng nông sản, từ đó làm đội chi phí, khó bán hàng.
Đặc biệt, để bảo đảm truy xuất nguồn gốc, HTX phải mua tem cho từng loại sản phẩm. Trong khi một HTX có thể sản xuất rất nhiều sản phẩm nên phát sinh nhiều kinh phí. Ngược lại, nếu không làm như vậy sẽ làm đứt gãy quá trình truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp Lê Lợi (Hải Dương) cho biết, việc người dân sản xuất theo kiểu mạnh ai người ấy làm đi liền với việc tích tụ ruộng đất khó khăn khiến các thành viên không mấy mặn mà với việc truy xuất nguồn gốc nông sản.
Thực tế cho thấy, ngành nông sản đang bị đe dọa bởi các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc gắn mác nông sản Đà Lạt, hàng Việt Nam chất lượng cao. Vấn đề làm nhái, làm giả thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của HTX, doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu VietGo, trong điều kiện hiện nay, cơ hội để các HTX xuất khẩu rất lớn bởi xuất khẩu cho giá cao, có thể thanh toán ngay và bán được với số lượng lớn. Tuy nhiên, muốn chọn một loại nông sản để xuất khẩu thì phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ thì mới tận dụng được các cơ hội. Còn nguồn hàng thì rất đa dạng, HTX có thể tìm ở ngay quê hương, địa phương mình sinh sống.
Tăng tính cam kết
Để truy xuất nguồn gốc nông sản, hiện tại, các đơn vị thường áp dụng giải pháp quét mã QR (Quick Response) trên các nhãn dán bằng smartphone để thể hiện các thông tin mô tả về sản phẩm như nguồn gốc địa lý, quy trình sản xuất và chế biến, chứng nhận…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không phải cứ gắn tem dán mã QR lên sản phẩm là thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm đáng tin cậy, bởi thông tin đó còn phụ thuộc vào việc khai báo của người sản xuất là nông dân, HTX cũng như hệ thống quản lý nông sản từ lúc ở ngoài đồng ruộng cho đến khi ra ngoài thị trường.
Chẳng hạn, một số HTX đang triển khai các hệ thống truy xuất nguồn gốc, trong đó yêu cầu người sản xuất phải ghi nhật ký toàn bộ quy trình trồng trọt, thu hái, chế biến,… nhưng nếu thành viên HTX không đảm bảo tính chính xác trong quá trình này, việc truy xuất nguồn gốc hoàn toàn vô giá trị.
Đã có những trường hợp nông sản của HTX, doanh nghiệp xuất khẩu dù có giấy chứng nhận, dán mã QR vẫn bị trả về, thậm chí bị tiêu hủy tại chỗ vì quá trình khai báo thông tin không trung thực. Điều này gây thiệt hại về chi phí cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu của HTX, doanh nghiệp.
Bởi vậy, ngoài việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua các chứng nhận, mã QR, chip điện tử, một số quốc gia còn dụng thêm nhiều phương pháp kỹ thuật để xác thực nguồn gốc như phân tích phổ khối đồng vị bền, phân tích thành phần hóa học của nông sản, phân tích ADN…
Những phương pháp này có ưu điểm là truy xuất được chính xác nguồn gốc hơn. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng có thể thực hiện được vì các phương pháp này chưa phổ biến ở Việt Nam và tốn kém nhiều chi phí hơn.
Trước thực trạng trên, việc thay đổi tư duy trong sản xuất và quản lý được cho là quan trọng hơn cả. Bởi việc truy xuất hàng hóa chung theo luật tuy đã có, song áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhất là truy xuất nguồn gốc bằng điện tử vẫn mang tính chất tự nguyện, động viên doanh nghiệp, HTX áp dụng. Trong khi để truy xuất được nguồn gốc của một sản phẩm thì cần nhiều công đoạn khác nhau.
Ví dụ như việc muốn truy xuất nguồn gốc thịt heo thì phải đảm bảo các bước từ khi sản xuất là đeo vòng gắn mã QR. Khi xuất chuồng, vận chuyển đến trạm thu ý cũng cần ghi lại kết quả kiểm định và cập nhật lên hệ thống, ghi lại lộ trình, bước tiếp nhận và chất lượng. Đến khi giết mổ cũng cần được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và ghi lại toàn bộ quy trình giết mổ. Ngay cả khi thịt heo đến các kênh phân phối cũng phải được gắn tem có thể truy xuất lại toàn bộ quy trình.
Có thể thấy, truy xuất nguồn gốc là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình sản xuất kinh doanh và quản lý thì mới mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, vẫn có những mặt hàng không thuộc diện bắt buộc truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường nên việc tăng tính đảm bảo hay thương hiệu cho HTX được hay không chính là nhờ phần lớn vào nhận thức của người dân, HTX, doanh nghiệp.
PGS.TS. Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho rằng, mối quan hệ của các HTX với doanh nghiệp và cơ quan quản lý hiện còn lỏng lẻo. Ngay cả khi ký kết các hợp đồng liên kết thì độ tin cậy cũng chưa cao. Nếu tăng được tính trung thực trong khai báo thông tin thì sẽ gỡ được nút thắt trong truy xuất nguồn gốc.