Bắt nhịp số hóa

Hòa nhập vào bối cảnh số hóa, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Cần Thơ linh động đưa công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp ứng dụng số trong công tác quản lý, điều hành… Qua đó, không chỉ tạo tín hiệu vui bắt nhịp thời đại số hóa ở các HTX, mà còn tạo bước chuyển, thúc đẩy HTX vươn xa, phát triển bền vững.

Anh Trương Văn Bá, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông (bên trái), huyện Vĩnh Thạnh giới thiệu kho trữ lúa hàng hóa có ứng dụng phần mềm quản lý xuất, nhập hàng hóa.

Nhận định về bức tranh số hóa ở các ngành trong khu vực kinh tế tập thể, ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, nói: “Cũng như các thành phần kinh tế khác, thành phố đã có nhiều HTX ứng dụng công nghệ máy bay không người lái hay áp dụng hệ thống phun, tưới tự động vào sản xuất nông nghiệp; trang bị máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối internet, kết hợp cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản xuất kinh doanh”. Cùng đó, Liên minh HTX TP Cần Thơ phối hợp cùng với MobiFone khu vực 9, ký kết về “Hợp tác ứng dụng các giải pháp công nghệ số và viễn thông” nhằm tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các phần mềm, ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý tại HTX; đồng thời, hỗ trợ HTX kết nối cung – cầu hàng hóa, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử…

Dẫn tôi đến tham quan hệ thống lò sấy cùng với kho trữ lúa, có sức chứa trên 1.000 tấn của HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, huyện Vĩnh Thạnh. Anh Trương Văn Bá, Giám đốc HTX vui vẻ, nói: “Nhờ đầu tư bài bản, từ lò sấy đến kho vận bảo quản, nên nông dân vào HTX không còn lo thất thoát lúa sau thu hoạch, lại còn chủ động được thời gian xuất bán lúa theo ý muốn. Ðặc biệt là cái kho trữ lúa đã trở thành cái kho “cứu cánh”, giúp nông dân “neo” lúa hàng hóa lại để chờ giá lúa lên, nhất là sau những vụ lúa bị rớt giá”. Không chỉ có vậy, kho này còn được HTX trang bị hệ thống máy tính, ứng dụng phần mềm quản lý xuất, nhập kho, giúp thành viên cũng như nông dân trong HTX biết được số lượng lúa hàng hóa bán ra hay còn tồn ở kho”.

Bước tiến ghi nhận dấu ấn làm nông hiện đại, thông minh ở HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông là sự đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng, trang bị 3 thiết bị bay không người lái (drone), phục vụ nhu cầu phun thuốc bảo vệ thực vật ở các cánh đồng cả trăm héc-ta của HTX, từ đó đã giải phóng sức lao động nặng nhọc cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe người làm nông. Theo anh Bá, đến nay toàn bộ 500ha đất chuyên canh lúa của 10 thành viên và gần 100 hộ liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông đều được cơ giới hóa, từ khâu làm đất, phun thuốc, quản lý dịch hại, bơm tưới, đến thu hoạch hay vận chuyển và bảo quản, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên HTX. Chia sẻ về định hướng ứng dụng số ở HTX, anh Bá nói: “Ngoài phát huy các ứng dụng làm nông hiện đạị, thông minh, HTX sẽ ứng dụng mạng xã hội để xây dựng thêm các nhóm làm việc giữa thành viên HTX với nhau và giữa HTX với các đối tác; tranh thủ sự trợ lực từ các ngành chức năng thành phố, gia tăng hiệu quả kết nối kinh doanh thông qua các nền tảng số”.

Những ngày này, không khí làm việc ở các xưởng sản xuất của HTX Sản xuất – Thương mại Nhất Tâm (HTX Nhất Tâm), quận Ninh Kiều khá nhộn nhịp. Hàng chục công nhân tại các dây chuyền đóng gói đang chăm chút, với từng công đoạn cân hàng, xếp hàng đến đóng gói bao bì thành phẩm, đảm bảo cho các mặt hàng chả ngon Nhất Tâm được đưa đi xuất khẩu kịp thời cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa mùa Tết. Ông Nguyễn Minh Ðạt, Phó Giám đốc sản xuất HTX Nhất Tâm, chia sẻ: Với mong muốn đưa chả ngon Nhất Tâm cùng với các mặt hàng thủy sản miền sông nước đến với mọi khách hàng, chúng tôi gầy dựng vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; kết hợp, đầu tư nhà xưởng, áp dụng quy trình HACCP vào sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người dùng. Không chỉ đầu tư công nghệ trong sản xuất và chế biến, HTX Nhất Tâm còn gia tăng ứng dụng số trong công tác quản lý, điều hành như khai báo thuế qua mạng, giao dịch qua email và qua mạng xã hội. Cập nhật và giới thiệu các mặt hàng thủy sản đặc trưng trên zalo và website của HTX; mở rộng liên kết với các sàn thương mại điện tử… để quảng bá các sản phẩm chả ngon Nhất Tâm và đến nay đã được người tiêu dùng đánh giá cao về hình thức bao bì lẫn chất lượng.

Hoạt động sản xuất tại xưởng chế biến thủy sản của HTX Sản xuất - Thương mại Nhất Tâm, quận Ninh Kiều.

Qua 6 năm gầy dựng và nhất là sau thời gian nỗ lực chuyển đổi số, uy tín và thương hiệu của HTX Nhất Tâm trên thị trường ngày càng được nâng lên, tăng số lượng thành viên và cả vốn đều lệ cao gấp 10 lần so với ban đầu. Từ 8 thành viên ban đầu năm 2016, đến nay Nhất Tâm có trên 120 thành viên và người lao động, tổng vốn điều lệ từ 1,6 tỉ đồng tăng lên 20 tỉ đồng vào năm 2022; với năng lực cung ứng trên 1.600 tấn sản phẩm thủy sản/năm cho các nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị như LOTTE Mart, MM Mega Market và các cửa hàng tiện ích tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ÐBSCL. Không chỉ dừng lại đó, HTX Nhất Tâm còn trực tiếp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, với sản lượng hơn 500 tấn/năm, đạt doanh thu trên 170 tỉ đồng/năm. Nhờ đó, đầu ra và lợi nhuận của các hộ nuôi thủy sản có hợp đồng làm ăn với HTX ngày một gia tăng, góp phần hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ hàng hóa bền vững trên địa bàn thành phố.

Trong xu thế các công nghệ mới đang phát triển mạnh mẽ, ngoài sự nỗ lực chuyển mình, thích ứng xu thế số hóa ở các HTX, khu vực kinh tế tập thể kỳ vọng thành phố sẽ có thêm nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ các HTX bứt phá, nâng chất hoạt động trong bối cảnh số hóa. Theo ông Nguyễn Ðức Phương, cùng với các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn ứng dụng số cho HTX, ngành chức năng thành phố cần giúp HTX tiếp cận các nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ số, đồng bộ hệ thống thông tin, mạng internet phù hợp với nhu cầu ứng dụng số; đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại các HTX; hướng tới xây dựng trang thông tin điện tử cũng như tổ chức các dịch vụ thu mua, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, Postmart… Từ đó, tạo điều kiện cho các HTX thích ứng với xu thế số hóa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản, góp phần thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua nền tảng số.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Mỹ Hoa

All in one
Lên đầu trang