HTX lỡ nhịp xuất khẩu vì thiếu cơ sở chiếu xạ
Có vùng nông sản đạt tiêu chuẩn nhưng cánh cửa xuất khẩu chưa rộng mở đối với các HTX vì tình trạng thiếu cơ sở chiếu xạ vẫn chưa được khơi thông.
Mới đây, các HTX, tổ hợp tác ở Phú Thọ lỡ nhịp xuất khẩu gần 4.500 tấn bưởi Đoan Hùng (hơn 366 ha) sang Mỹ vì ở phía Bắc chưa có trung tâm chiếu xạ đạt tiêu chuẩn.
Tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh
Dù số bưởi này được tiêu thụ ở thị trường trong nước với giá cả hợp lý nhưng cho cũng cho thấy việc đánh mất cơ hội trong xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị nông sản của người dân, HTX.
Tình trạng thiếu cơ sở chiếu xạ đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chính là điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản. Theo thống kê, hiện nay, ở Việt Nam, số lượng cơ sở chiếu xạ hàng hóa nông sản xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn.
Tại Hà Nội, dù đã có Trung tâm chiếu xạ thực hiện chiếu xạ sản phẩm nông sản sang một số thị trường nhưng đối với việc chiếu xạ sản phẩm nông sản đi Mỹ thì hiện vẫn còn ít thực hiện.
Tại miền Nam, hiện mới chỉ có 2 đơn vị tư nhân được công nhận đáp ứng điều kiện xử lý chiếu xạ trái cây tươi để xuất khẩu sang Mỹ và trung tâm chiếu xạ ở Thủ Đức sử dụng công nghệ Hungary. Điều này đã đẩy giá thành chiếu xạ lên cao, khiến sản phẩm, nông sản khó cạnh tranh trên thị trường.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân (Bắc Giang) chia sẻ, quả vải của HTX dù được xuất sang Mỹ những trước khi xuất đi phải chịu thêm chi phí vận chuyển vào miền Nam để chiếu xạ theo yêu cầu của phía Mỹ. Trong khi đặc thù của nông sản tươi là có chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, tính thời vụ và theo mùa.
Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (Sơn La) cũng cho biết hiện nay, việc chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ chỉ do rất ít công ty tại TP Hồ Chí Minh đảm nhận. Điều này gây ra nhiều bất cập trong quá trình xuất khẩu nông sản. Cụ thể là các mặt hàng trái cây ở Sơn La như nhãn, xoài muốn xuất khẩu sang Mỹ phải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh mới chiếu xạ được.
“Như vậy, HTX sẽ tốn thêm chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho… ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của sản phẩm, nông sản dễ bị sốc nhiệt”, ông Kiên nói.
Việc có ít đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, lại tập trung ở miền Nam khiến giá chiếu xạ chưa cạnh trạnh. Trong khi đó, ở các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc.. có lợi về điều này nên giá chiếu xạ rất cạnh tranh.
Cần cơ chế khuyến khích
Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn trên thế giới nhờ có diện tích trồng cây ăn quả lên đến 1,2 triệu ha và tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn. Trong khi đó, Mỹ là thị trường lớn nhưng đi liền với đó là những đòi hỏi khắt khe.
Bởi thực tế, chỉ tính riêng quả bưởi tươi Việt Nam phải mất 5 năm đàm phán mới vào được thị trường Mỹ. Chỉ trong 3 tháng cuối năm, dự kiến Việt Nam sẽ có khoảng 2.000 – 3.000 tấn bưởi tươi được xuất khẩu sang đây, năm 2023 sẽ có khoảng 7.000 tấn.
Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe về các điều kiện phải đáp ứng như cơ sở vùng trồng, đóng gói, quy trình xử lý kiểm dịch. Vậy nhưng hiện Việt Nam cũng chỉ có 2 nhà máy chiếu xạ được Mỹ cấp phép… Theo các số liệu thống kê, chỉ riêng thị trường Mỹ, sản lượng trái cây qua chiếu xạ xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 20.000 tấn/năm. Đó là chưa kể các thị trường khác như Úc, New Zealand… hiện cũng đều yêu cầu chiếu xạ, nhất là đối nông sản tươi và đông lạnh.
Thực tế này cho thấy, chiếu xạ nông sản là một lĩnh vực có tiềm năng nhưng lại chưa thực sự phát triển ở Việt Nam.
Nguyên nhân là chi phí đầu tư cho hoạt động xây dựng các cơ sở chiếu xạ thường rất lớn, do đó các doanh nghiệp đều cân nhắc kỹ lưỡng, có lợi nhuận mới làm. Đó cũng là lý do mà hiện nay ở miền Bắc vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào xin đầu tư vào cơ sở chiếu xạ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Mỹ.
Theo các chuyên gia, hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng lớn của Việt Nam nhưng nông sản của các HTX xuất khẩu đi Mỹ đang bị hạn chế bởi chi phí vận chuyển (đường biển, đường hàng không) cao quá mức khiến nông sản khó cạnh tranh, làm giảm sức mua của thị trường Mỹ.
Không chỉ ở thị trường Mỹ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Trị giá xuất khẩu hàng rau củ quả của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 306,1 triệu USD, giảm 1,2% so với tháng 11/2021. Chính vì vậy, việc đầu tư các trung tâm chiếu xạ là hướng đi tất yếu nhằm tạo thị trường ổn định cho nông sản Việt.
Muốn làm được điều này, ngoài chú trọng liên kết sản xuất theo chuỗi giữa HTX và doanh nghiệp thì cũng cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản của HTX xuất khẩu sang những thị trường chất lượng cao trên thế giới.
Bởi theo đà tăng trưởng trong việc xuất khẩu nông sản vào Mỹ nói riêng và những thị trường có yêu cầu chiếu xạ khác nói chung, việc có thêm các đơn vị chiếu xạ sẽ giải quyết được “điểm nghẽn” về chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong xuất khẩu.