Giảm áp lực chi phí đè lên HTX

Giảm áp lực chi phí đè lên HTX

Trước thực trạng những ngày cận Tết, giá cả lại rục rịch tăng, các cơ quan quản lý đã có những chương trình hỗ trợ bình ổn giá, tránh tạo sức ép lên người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối tượng trực tiếp sản xuất ra hàng hóa là người dân, HTX đang chịu rất nhiều khó khăn vì giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao lại dường như bị bỏ ngỏ.

Ông Đinh Công Hoàng, Giám đốc HTX Tàu hũ ky Mỹ Hòa (Vĩnh Long), cho biết dù cuối năm, đơn hàng nhiều, thành viên làm không kịp nhưng giá bán sản phẩm ra thị trường không tăng. Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Chẳng hạn như đậu nành để sản xuất tàu hũ giờ đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước do phải nhập từ nước ngoài với số lượng lớn. Giá các nhiên liệu chất đốt cũng tăng.

Thiệt đơn, thiệt kép

“Nghịch cảnh này khiến các thành viên, người nông dân không có lãi là bao. HTX sản xuất trên quy mô lớn nên cần cả tỷ đồng để trữ nguyên liệu, nhưng đâu phải lúc nào HTX cũng đủ nguồn vốn lớn. Vì vậy mà HTX phải mua nguyên liệu theo từng đợt và đi kèm với đó là giá nhập hàng cũng tăng theo từng đợt”, ông Hoàng nói.

Hay như các thành viên Tổ hợp tác trồng hẹ Phước Thuận (Khánh Hòa) trước đây chỉ cần đầu tư 6-7 triệu đồng là có thể sản xuất gần 500m2 hẹ, nhưng nay lên đến 14-15 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của các HTX và người dân năm 2022 đã tác động không nhỏ vào lợi nhuận, trong khi giá đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, thậm chí có một số ngành hàng còn bị giảm như chăn nuôi lợn, trâu bò…

Không chỉ gặp khó khăn về chi phí đầu vào, nhiều HTX có sản phẩm đặc trưng, xây dựng được thương hiệu trên thị trường còn bị một số đơn vị, cơ sở tranh thủ đợt mua sắm cuối năm để làm giả sản phẩm từ đó gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và thương hiệu của HTX.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các HTX.

Bên cạnh đó, có những HTX muốn hạn chế khó khăn bằng cách chuyển đổi sản xuất nhưng không hề dễ dàng. Bởi việc đầu tư cho một giống cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tự nhiên và điều kiện năng lực của HTX. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng vốn chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương nên không phải muốn chuyển đổi trong ngày một ngày hai là được. Chính vì vậy mà nhiều thành viên, HTX dù thấy rõ sản xuất khó có lời những không còn cách nào khác.

Hiện nay, đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nguồn vốn trữ hàng hóa nhưng việc tiếp cận chính sách này đối với nhiều HTX không hề đơn giản vì phải cam kết giá bán giảm ít nhất 5% so với giá thị trường, phải có ít nhất một điểm bán hàng và có cơ sở sơ chế, chế biến đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Những yêu cầu này, rất ít HTX có thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, HTX lại là đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế và cũng khó tiếp cận những nguồn vốn như các doanh nghiệp lớn. Bình thường, nông dân, thành viên HTX đã chịu sức ép của giá cả vật tư nông nghiệp, cùng với nhiều mặt hàng khác tăng giá nhưng nông sản sản xuất ra thì có thể tăng giảm thất thường do thiên tai, dịch bệnh, thành viên HTX khó có thể đoán định được. Sức ép sản xuất kinh doanh của các HTX càng tăng mạnh vào những ngày cận Tết do nền kinh tế toàn cầu đang gặp những khó khăn nhất định.

Tìm giải pháp thích ứng

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, HTX thường gặp rất nhiều rủi ro, đến từ những yếu tố khách quan. Đặc biệt, khi thị trường có biến động về giá cả nguyên liệu đầu vào tăng liên tục nhưng năng suất và giá đầu ra không đổi, lợi nhuận của HTX bị giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của HTX.

Qua tìm hiểu thực tế, 100% HTX đều gặp phải rủi ro khi có biến động giá xảy ra, nhất là những HTX nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến động về giá cả.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện nay, HTX, nông dân rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, đó cũng là cách góp phần bình ổn giá cả thị trường từ gốc. Bởi nếu HTX cộng cả giá nguyên liệu đã tăng vào giá sản phẩm thì sẽ ít có người mua, đồng thời ảnh hưởng đến lạm phát. Và hiện dù rất khó khăn nhưng các HTX vẫn cố gắng duy trì mặt bằng giá ổn định.

Chính vì vậy, nhiều HTX mong muốn được hỗ trợ quy hoạch, xây dựng nhà kho lưu trữ nguyên liệu, bảo quản nông sản sau thu hoạch phục vụ thị trường lúc cần thiết hay giá lên. Đi liền với đó là tạo điều kiện cho HTX tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ một cách thuận tiện, nhanh chóng để có thể nhập nguyên liệu với giá hợp lý.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm (Đồng Nai) cho biết, càng cận Tết, giá hàng hóa, nguyên liệu nhập về sẽ càng tăng cao, tác động đến công tác chuẩn bị, phân phối nguồn hàng và cân đối giá cả của HTX. Trong khi những khó khăn về vốn, giá cả tăng, hầu hết là do HTX tự giải quyết. “Nếu tình hình này kéo dài thì sắp tới muốn mở rộng, kết nạp thêm thành viên vào HTX sẽ vô cùng khó khăn”, ông Thịnh nói.

Còn ông Nguyễn Như Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Tiến (Đăk Lăk) chia sẻ, dù tham gia chương trình bình ổn giá và được hỗ trợ vốn dự trữ nguồn hàng nhưng nguồn vốn này đến với HTX rất chậm khiến HTX chưa chủ động trong việc ký hợp đồng mua các nguồn hàng thiết yếu từ nhà phân phối với giá hợp lý.

Theo các chuyên gia, nhiều HTX, liên hiệp HTX đang cố gắng không tăng giá sản phẩm để chia sẻ với người tiêu dùng. Chính vì vậy, ngoài các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, để khu vực kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, cần có thêm các giải pháp tổng hợp khác như: giải quyết vấn đề cung – cầu hàng hóa, hỗ trợ kịp thời các HTX để không gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là giảm các khâu trung gian nhằm bảo đảm lợi nhuận cho người dân, HTX trực tiếp sản xuất kinh doanh thời điểm Tết.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top