Vướng chính sách, HTX khó phát triển chuỗi

Vướng chính sách, HTX khó phát triển chuỗi

Phải chăng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp chưa mở và chưa phù hợp với điều kiện thực tế của mô hình kinh tế tập thể, HTX nên số lượng HTX phát triển theo chuỗi giá trị bền vững vẫn còn khiêm tốn, các mắt xích trong chuỗi vẫn chưa được chặt chẽ?

Đứng trước yêu cầu của thị trường hiện nay, hầu hết các HTX, người dân đều mong muốn phát triển theo mô hình chuỗi giá trị bền vững. Nhà nước cũng đã hỗ trợ người dân, HTX phát triển chuỗi qua nhiều hình thức như xây dựng mô hình, mở các hội nghị để kết nối HTX với doanh nghiệp…

Quy định chưa thống nhất

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và các HTX, một trong những hỗ trợ cơ bản để người dân, HTX phát triển chuỗi giá trị là Nghị định 98/2018/NĐ-CP về liên kết chuỗi trong nông nghiệp thì chưa được triển khai, do vậy các mắt xích trong liên kết chuỗi còn lỏng lẻo.

Ngay sau khi Nghị định 98 được ký, không ít tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít địa phương đang khó triển khai bởi câu chữ trong Nghị định 98 chưa rõ ràng và thiếu đồng nhất.

Ngay trong quy định hỗ trợ giống vật tư, bao bì nhãn mác cũng chưa cụ thể. Chẳng hạn như tại khoản 3 điều 6, Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định: trong trường hợp HTX hay doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng liên kết trực tiếp với nông dân thì HTX và doanh nghiệp sẽ là chủ thể của chuỗi liên kết. Trong trường hợp HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp và ngược lại thì hai bên sẽ tự quyết định ai là chủ thể của chuỗi.

Nếu Nghị định 98 đến được với người dân, HTX sớm sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong liên kết chuỗi.

Vậy nhưng, tại khoản 1, điều 9 của Nghị định này lại nêu nội dung hỗ trợ vật tư, bao bì, giống, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX.

Điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện bởi khi doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết trực tiếp với nông dân (không thông qua HTX) thì không được hỗ trợ? Việc hỗ trợ lúc này có thông qua các dịch vụ của HTX hay không? Và khi doanh nghiệp là chủ thể của chuỗi thì ai sẽ là đối tượng được hỗ trợ (hộ nông dân, HTX hay doanh nghiệp) vì Nghị định quy định việc hỗ trợ thông qua các dịch vụ tập trung của HTX.

Hay ngay tại điều 6 và điều 12 của Nghị định 98 vẫn chưa đồng nhất về tên gọi ‘phê duyệt hỗ trợ dự án liên kết’ hay ‘phê duyệt dự án liên kết’. Và trong điều 12 cũng chỉ đề cập, hướng dẫn các giấy tờ, thủ tục thẩm định ‘dự án liên kết’, chưa có hướng dẫn về thủ tục nộp và thẩm định kế hoạch liên kết.

Sớm tháo gỡ để giúp HTX

Theo thống kê từ các địa phương, từ khi Nghị định 98 ra đời, đã có 33 tỉnh, thành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này đề khó khả thi. Nguyên nhân một phần là dự án liên kết thường thực hiện theo giai đoạn 3-5 năm. Còn việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn chi dành cho việc hỗ trợ theo nghị định 98 thường được đăng ký, phân bổ vốn từng năm. Đó là chưa kể đến việc sản xuất nông nghiệp thường có nhiều rủi ro do thiên tai, thị trường biến động nên các doanh nghiệp ngại ký hợp đồng lâu dài với HTX, nông dân.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí nhà nước hạn hẹp, hoặc thậm chí không được phân bổ. Ngay như nội dung về hỗ trợ giống, vật tư, thiết bị thiết yếu không quá 3 chu kỳ sản xuất và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn chỉ ở mức 40%. Hay mức hỗ trợ cho trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng sản xuất chỉ tối đa 30% chi phí, tức các HTX phải đối ứng tới 70% vốn. Điều này là khó khả thi đối với mô hình kinh tế tập thể.

Còn theo Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vĩnh Long), từ khi biết có Nghị định 98 đến nay, HTX đã làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ nhiều năm nhưng chưa được.

Ông Tài cho biết, việc sản xuất theo quy trình, phát triển chuỗi giá trị thực sự không hề dễ dàng. Thậm chí khi HTX liên kết được với doanh nghiệp rồi cũng rất khó khăn. Các doanh nghiệp thường nói sẽ bao tiêu, hỗ trợ vật tư đầu vào nhưng họ chỉ chuyển giao phân bón vật tư trước rồi lấy tiền lại sau. Thậm chí dù doanh nghiệp thu mua nông sản nhưng 2-3 tháng sau mới trả tiền. “Nếu Nghị định 98 không đến được với người dân và HTX nhanh chóng thì khó có thêm chuỗi giá trị bền vững”, ông Tài chia sẻ.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau khoảng 4 năm triển khai Nghị định 98, các tỉnh, thành mới phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết trong khi cả nước cũng mới có 2.038 chuỗi liên kết theo Nghị định 98.

Trước thực tế này, chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý cần xem xét lại chính sách hỗ trợ, đảm bảo thống nhất, phù hợp thực tiễn để các đối tượng được hỗ trợ dễ tiếp cận, các sở ngành dễ triển khai.

Cụ thể như cần xem xét giảm quy định thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm xuống còn 3 năm và có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ. Ngoài ra cần bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đã rõ. Điều cần làm lúc này là Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong Nghị định 98 bởi vì chủ trương của Nghị định 98 tốt hơn nhiều chương trình hỗ trợ trước đây. Đơn cử như chi phí hỗ trợ vật tư đầu vào của Nghị định này lên đến 50%. Đây là điều rất cần và thiết thực trong thời điểm vật giá đang leo thang và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các HTX hiện nay.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top