Hỗ trợ xa tầm với khiến HTX không khỏi chạnh lòng

Hỗ trợ xa tầm với khiến HTX không khỏi chạnh lòng

Hiện, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng không ít HTX sản xuất kinh doanh không khỏi chạnh lòng khi một số chính sách vẫn còn cách xa so với kỳ vọng.

Những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Nhà nước về mô hình HTX. Điển hình như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các chính sách khá toàn diện, bao phủ tất cả các phương diện liên quan đến kinh tế tập thể. Trong đó, nghị quyết đã đưa vào nhiều chính sách mới hỗ trợ cho HTX trong nông nghiệp.

Chính sách chưa tới

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1505/QĐ-TTg, trong đó đối với việc thành lập và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, Quyết định đã bãi bỏ 3 thủ tục hành chính: bãi bỏ thủ tục thay đổi cơ quan đăng ký HTX , thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký HTX và thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký Liên hiệp HTX. Điều này đã cho thấy sự quan tâm cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan để tạo điều kiện cho mô hình kinh tế tập thể phát triển.

Tuy nhiên, điều mà không ít HTX băn khoăn là các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết số 20, Quyết định 1505 và nhiều chính sách khác có nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp các mô hình kinh tế tập thể phát huy được vai trò của mình và khắc phục được những khó khăn khách quan, nội tại hay không?

Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vĩnh Long) cho biết, ông luôn trăn trở tìm hướng đi để phát triển sản phẩm gạo hữu cơ. Thế nhưng, ngay việc chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ của EU, Mỹ và Nhật cho vùng sản xuất hiện nay hay vấn đề liên kết chuỗi với doanh nghiệp đều là do HTX tự lo.

Theo ông Tài, không chỉ chính sách hỗ trợ HTX liên kết sản xuất thông qua Nghị định 98/2018/NĐ-CP mà ngay cả các chính sách trong Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025 dù đã được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 1804 ngày 13/11/2020 nhưng đến nay vẫn… chưa đi vào thực tiễn.

“Nhà nước đã rất lắng nghe HTX, các chính sách đưa ra đều đúng nhưng lại chưa tới được tận nơi, khi nguồn lực hỗ trợ hạn hẹp”,ông Tài nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Châu, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Thắng (Thanh Hóa), nông sản hiện nay đòi hỏi tính cạnh tranh rất cao nhưng quy trình sản xuất của HTX vẫn đòi hỏi chi phí lớn, khó hạ giá thành sản phẩm.

Ông Châu cảm thấy chạnh lòng khi tìm hiểu thấy mô hình HTX ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhận được nhiều hỗ trợ từ vốn đến đào tạo, đất đai, khoa học kỹ thuật… Trong khi đó, ở Việt Nam thì HTX của ông và nhiều HTX khác hiện chủ yếu là phải tự xoay xở nguồn vốn từ trong nhà hoặc bên ngoài với chi phí cao để đầu tư. Còn các nguồn vốn tín dụng thì rất khó tiếp cận do không có tài sản thế chấp.

Nhiều chính sách hỗ trợ HTX vẫn chưa thể đi sâu vào thực tiễn.

Ngay như việc tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP (sửa đổi một số điều của Nghị định 55) đều đòi hỏi điều kiện đi kèm khó thực hiện. Bởi lẽ, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, còn năng lực của HTX khó có thể hoàn thiện được một kế hoạch sản xuất khả thi.

Có thể thấy, trong quá trình hoạt động, các HTX cho rằng khu vực kinh tế tập thể dù tiếp nhận được nhiều chính sách hỗ trợ nhưng không hiếm chính sách khi triển khai được nửa đường thì… đứt gánh do ngân sách hạn hẹp hoặc hết chương trình, điều kiện hỗ trợ chưa hợp thực tiễn nên hiệu quả không cao.

Có những chính sách cũng không có tính liền mạch, dài hơi như hỗ trợ khoa học – công nghệ, chuyển đổi số thì Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi Bộ hỗ trợ một chút. Nguồn vốn hỗ trợ thì lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia nên muốn được hỗ trợ, HTX phải trải qua nhiều cuộc khảo sát đánh giá khác nhau. Chưa kể nhiều chương trình hỗ trợ mà HTX tiếp cận phải mất nhiều thời gian, thủ tục mà vẫn chưa mang lại kết quả khả quan như chính sách hỗ trợ 2% lãi suất trong khi thời gian thực hiện chính sách này không còn nhiều.

Hỗ trợ phải thiết thực

Trong các cuộc họp, hội thảo, các chuyên gia đều nhận định rằng khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay tiếp cận các chính sách hỗ trợ vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do các chính sách còn dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế tập thể, HTX thực sự cần.

Chính vì vậy, để đảm bảo cho khu vực này phát huy được vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường, các chính sách cần xác định được nội dung hỗ trợ cần tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế của các HTX.

Chẳng hạn như để HTX tiếp cận được các hỗ trợ về đất đai, ngoài sửa đổi Luật HTX năm 2012, cần xem xét Luật Đấu thầu, Luật Đất đai theo hướng ưu tiên đối tượng là HTX trong đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác được nhận chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở chế biến logistics, phát triển vùng chuyên canh thông qua tích tụ đất đai…

Đặc biệt, nên bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với HTX chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo cho khu vực kinh tế này sử dụng đất đai có hiệu quả…

TS. Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết mô hình kinh tế tập thể là phương cách hữu hiệu giúp hộ nông dân quy mô nhỏ vượt qua thách thức, khó khăn để nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các HTX, tổ hợp tác đều phải cạnh tranh với doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cá thể trong việc cung cấp các dịch vụ đầu vào. Ngược lại, hộ thành viên mong muốn HTX hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho họ, cũng như tham gia vào các công đoạn sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ.

Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần phải cụ thể hóa, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mô hình kinh tế tập thể. Các chính sách hỗ trợ phải làm sao khuyến khích các thành viên phát triển tổ chức kinh tế tập thể, tạo thuận lợi cho tổ chức kinh tế tập thể cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác và khuyến khích, thu hút các cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân tham gia kinh tế tập thể.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top