Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Quy định về phân phối lợi nhuận còn bất cập (Bài 6)

Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Quy định về phân phối lợi nhuận còn bất cập (Bài 6)

Với mỗi loại hình tổ chức kinh tế hay doanh nghiệp nói chung, các quy định về phân phối lợi nhuận là rất quan trọng, gắn liền với lợi ích của chủ sở hữu, của người góp vốn. Mô hình HTX cũng vậy, quy định của luật HTX về phân phối lợi nhuận không rõ ràng, thậm chí gây bất lợi cho thành viên góp vốn sẽ làm cho HTX không thu hút được thành viên góp vốn. Thiếu vốn, HTX cũng sẽ khó khăn trong hoạt động,…

Về mặt pháp lý và nguyên tắc của một tổ chức kinh doanh nói chung, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước theo luật định, HTX có quyền tự quyết về việc sử dụng lợi nhuận mà họ làm ra. HTX quyết định việc này trên cơ sở Điều lệ của HTX và Nghị quyết Đại hội thành viên. Bởi vì HTX là của thành viên, tập thể thành viên là chủ sở hữu của HTX nên chỉ có họ mới có toàn quyền quyết định sử dụng phân phối lợi nhuận sau các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước.

Chia lãi thế nào là hợp lý?

Việc dự thảo luật HTX sửa đổi tiếp tục chủ trương hạn chế chia lãi theo vốn góp, khuyến khích chia lãi chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ, sẽ không khỏi làm HTX, thành viên HTX băn khoăn, lo lắng. Đặc biệt với những thành viên góp vốn nhiều hơn hay cao hơn mức tối thiểu sẽ thấy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của họ.

Quy định về phân phối lợi nhuận không rõ ràng sẽ làm cho HTX không thu hút được thành viên góp vốn.

Nếu dự thảo Luật tiếp tục phương thức hay nguyên tắc phân chia lợi nhuận của HTX như vậy thì sẽ không có sửa đổi cơ bản gì so với Luật HTX 2012 hiện hành. Và nếu tiếp tục như vậy cũng là không phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung. Trên thực tế đến nay, đã đúng 10 năm thực hiện Luật HTX 2012, nhưng quy định phân chia lợi nhuận chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ là chính, sau đó mới theo vốn góp không thể áp dụng được. Lý do là chính các HTX, thành viên của họ không thông, thấy bất cập và cả bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Và sự bất cập này vẫn tiếp tục thể hiện trong quy định trong dự thảo Luật sửa đổi. Chưa nói đến đúng sai, ngay việc Luật dùng khái niệm chung chung như khái niệm “chủ yếu” là rất không ổn, không biết hiểu thế nào và áp dụng ra sao?! Nếu “theo mức độ sử dụng dịch vụ sản phẩm là chủ yếu” thì bao nhiêu là chủ yếu, ví dụ là 80%, là 51% hay một con số khác?!

Nếu tiếp tục quy định phân phối lợi nhuận theo hướng như vậy thì dự thảo Luật không chỉ có thể sai mà trên thực tế còn không hợp lý, rất bất công cho các thành viên HTX góp nhiều vốn hơn người khác. Có thể thấy ngay bất cập và vô lý trong một ví dụ rất phổ biến và điển hình tại một quỹ tín dụng nhân dân như sau: Một thành viên góp vốn 150 triệu đồng, nhưng trong năm gia đình hầu như không có nhu cầu vay vốn, chỉ vay 10 triệu đồng một lần ngắn hạn 3 tháng. Nếu chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ, cuối năm thành viên này được chia tổng cộng có 4 triệu đồng tiền lãi (gồm 1 triệu từ dịch vụ và 3 triệu đồng từ vốn góp). Trong khi đó, có thành viên khác, góp vốn chỉ 300.000 đồng, tương đương mức tối thiểu. Nhưng thành viên này lại được chia lãi tới 15 triệu đồng, chủ yếu vì được vay Quỹ tín dụng nhiều, vay nhiều lần trong năm, còn chia lãi từ vốn góp không đáng kể do góp ít. Rõ ràng có cái gì đó không ổn, phi lý từ quy định này. Người không có tiền góp, được vay vốn để sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng là may mắn quá rồi. Họ chỉ mong có vậy. Thế nhưng, cuối năm họ còn được chia lãi, chia nhiều lãi hơn thành viên góp vốn nhiều vì người góp vốn nhiều này không vay hay vay ít?!

Bất cập cũng thấy rõ ở trong ví dụ thứ hai: Một HTX môi trường thực hiện thu gom rác trên địa bàn. Lãnh đạo của HTX gương mẫu, nhiệt tình và góp vốn tương đối nhiều, với 50 triệu đồng. Nhưng nhà cán bộ HTX này ít rác, trong tuần HTX chỉ thu gom rác 2 -3 lần. Trong khi đó một thành viên khác chỉ góp vốn tối thiểu là 100.000 đồng theo điều lệ, nhưng hộ này kinh doanh, rác thải rất nhiều, ngày nào HTX cũng phải gom rác. Vậy là, nếu phân chia lợi nhuận theo cái gọi là mức độ sản phẩm dịch vụ là chủ yếu, thì người góp 50 triệu đồng cuối năm sẽ nhận ít lãi hơn vì nhà ít rác, sử dụng dịch vụ HTX ít. Còn người góp vốn tối thiểu có khi lại được chia lãi nhiều hơn người góp vốn lớn vì nhà nhiều rác, sử dụng dịch vụ nhiều hơn?! 

Trên đây chỉ là ví dụ, được hình dung bằng con số cụ thể để dễ thấy sự bất cập của Luật và sự hoang mang bất bình, khó hiểu của thành viên HTX là có lý.

Cần khuyến khích thành viên góp vốn

Như vậy, có thể dễ thấy hậu quả của quy định bất cập trong dự thảo sẽ là việc người tâm huyết, có điều kiện hơn không muốn góp vốn nhiều bởi cảm thấy quá bất công và thiệt thòi. Họ đã chấp nhận góp nhiều vốn nhưng chỉ có một quyền biểu quyết duy nhất như người ít vốn hay góp tối thiểu. Đừng bắt họ thiệt thòi nhiều quá, không tạo được động lực, và cũng là khó cho HTX. 

Rất có thể, khi cảm thấy bị thiệt, thành viên đã “trót” góp vốn nhiều chắc cũng băn khoăn, sẽ suy nghĩ tìm cách rút vốn. Và hậu quả dễ xảy ra, ai gia nhập HTX cũng chỉ góp vốn ở mức tối thiểu, càng ít càng tốt, nhiều khi chỉ góp vốn tượng trưng, như mua “vé” hay đóng “lệ phí” vào cửa.  Nếu người góp nhiều vốn rút vốn, còn thành viên mới tham gia HTX góp vốn thật ít thì năng lực tài chính của HTX sẽ ngày càng kém, HTX càng thiếu vốn, hoạt động sẽ khó khăn, không thể tồn tại và phát triển được.

Chính vì vậy, sau khi nộp thuế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo luật định, HTX phải được tự quyết định việc phân chia lợi nhuận mà họ làm ra. Họ quyết định thông qua điều lệ, thông qua Nghị quyết Đại hội thành viên của HTX. Do đó, theo tác giả, việc Luật định hướng hay chấp thuận việc phân chia lợi nhuận theo vốn góp không chỉ là thông lệ quốc tế mà sẽ đảm bảo công bằng hợp lý hơn cho người góp vốn. Đồng thời, quan trọng hơn, điều này sẽ khuyến khích, tạo động lực cho HTX thu hút thành viên góp vốn nhiều hơn, giúp HTX nâng cao năng lực tài chính, có vốn hoạt động.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top