HTX giải ‘bài toán’ số hóa

HTX giải 'bài toán' số hóa

Chuyển đổi số trong HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp cần sự bền bỉ, tránh nửa vời. Quá trình này cần được thực hiện từng bước với từng mục tiêu cụ thể thì mới có thể mang lại hiệu quả lâu dài.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Ân Phong (Bình Định) đang sản xuất 1,4 ha rau công nghệ cao nhưng kế hoạch mở rộng thêm 8.000m2 rau trồng trong nhà màng, 6.000m2 rau trong nhà lưới của HTX cũng phải dừng lại.

Chuyển đổi số là cả lộ trình

Theo ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX, một phần của sự trì trệ này là do đầu tư làm công nghệ cao cần số tiền hàng tỷ đồng nhưng HTX không vay được tín dụng do không có tài sản thế chấp.

Đó là chưa tính đến việc diện tích HTX đang thực hiện sản xuất công nghệ cao muốn duy trì hiệu quả cần phải làm tốt các bước từ quản trị, lập kế hoạch sản xuất, quản lý và giám sát… Bởi dù chỉ muốn quét tem QR cho sản phẩm thôi cũng buộc HTX phải đồng bộ, số hóa từ nhiều bước khác nhau để hoàn thiện quy trình. Bên cạnh đó, làm sao để vận chuyển rau màu đi các địa phương khác trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm chất lượng cũng là vấn đề.

Từ thực tế của HTX Ân Phong có thể thấy chuyển đổi số đang là thách thức với không ít HTX nông nghiệp. Bởi chuyển đổi số vốn là một quy trình có nhiều bước, mỗi bước đó nếu có biến động thì mỗi HTX phải có giải pháp và thu về kết quả khác nhau. Đó là chưa nói đến tư duy của người dân, thành viên của từng HTX.

Đặc biệt, vấn đề vốn, chi phí là một trong những điều kiện cần và đủ để HTX thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhưng không phải HTX cũng có thể dễ dàng vượt qua, nhất là những HTX có quy mô nhỏ, quản trị rời rạc.

Để HTX chuyển đổi số hiệu quả cần có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.

Theo thống kê, hiện có hơn 65% kỹ thuật trong ngành nông nghiệp mà người dân, HTX không thể tự áp dụng được. Chính vì vậy, nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số thành công như HTX Chúc Sơn (Hà Nội), HTX Tuấn Ngọc (TP. HCM)… ban đầu cũng phải đứng ra thuê kỹ sư công nghệ bên ngoài thì mới có thể ứng dụng và chuyển đổi số hiệu quả.

Tuy nhiên, chi phí thuê kỹ sư cùng với số tiền đầu tư là vấn đề mà không phải HTX nào cũng dám đối đầu. Có HTX, sau đó chỉ dám nhờ cậy người quen, con em hoặc tự chuyển đổi số sau một thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Hoặc có HTX may mắn nhận được chi phí tài trợ từ một dự án số hóa trong nông nghiệp thì công cuộc số hóa mới có thể tiếp tục được duy trì.

Bên cạnh đó, có HTX tuy đã thực hiện chuyển đổi số nhưng diện tích đầu tư công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn, khó mở rộng. Có HTX sản xuất rau công nghệ cao nhưng diện tích chưa đến 1 ha hoặc phải đi thuê đất để sản xuất nông sản công nghệ cao ở nhiều nơi khiến chuỗi giá trị bị đứt gãy, khó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều này cũng không khác gì so với thực tế mà nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang diễn ra là sản xuất nhỏ lẻ với khoảng 60-70% số trang trại có diện tích dưới 2 ha. Các thống kê cũng cho thấy, những cánh đồng ở Việt Nam hiện có diện tích nhỏ nhất trên thế giới, trung bình chỉ 0,4-0,5 ha. Điều này phần nào làm khó cho người dân, HTX trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Tạo sức bền cho HTX

Để phát triển nông nghiệp, số hóa là con đường mà HTX cần phải đi, bởi đây là một phần không thể thiếu trong mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng chuyển đổi số rất chông gai bởi nó không chỉ dừng ở sự nhiệt huyết của các thành viên HTX hay chỉ đơn thuần là xây dựng các app và sử dụng miễn phí là có thể mang lại hiệu quả. Thay vào đó, chuyển đổi số là tổng hòa của nhiều yếu tố công nghệ và cần con người có tri thức, cần nguồn vốn lớn cũng như các chính sách thích hợp để vận hành.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 4.467 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm 17% trong tổng số hơn 27.000 HTX và 108 liên hiệp HTX.

Ngoài ra, cả nước cũng mới có 12 khu vực được Nhà nước quy hoạch để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các cơ quan quản lý cũng đang có kế hoạch hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp để có thể ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp. Mục tiêu là hướng đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 HTX công nghệ cao.

Tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định 57 năm 2018 có nêu, sẽ hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư và 50% kinh phí đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nhưng không quá 1 tỷ đồng.

Với mức hỗ trợ khiêm tốn như vậy, thật khó để nông dân hay HTX có thể bền bỉ theo đuổi chuyển đổi số. Ông Trần Bảo Diệp cho biết nếu mở rộng thêm 8.000m2 rau trồng trong nhà màng, 6.000m2 rau trong nhà lưới, HTX cần nguồn vốn ban đầu lên đến 4 tỷ đồng. Với mức hỗ trợ như trên, dù HTX có cố gắng thu xếp vốn, huy động từ thành viên cũng khó có thể tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thực tế từ một số địa phương được đánh giá phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hà Nội, TP HCM… đều cho thấy, các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần chi phí lớn, diện tích đất lớn, dự báo thị trường sát thực tiễn…

Tuy nhiên, qua nhiều năm, những khó khăn này vẫn chưa được các cơ quan quản lý tháo gỡ dẫn đến các HTX, người dân và cả doanh nghiệp dù rất muốn đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số nhưng hoạt động này diễn ra rất chậm và chưa đồng bộ.

Các chuyên gia cho rằng cần phải phát huy mối liên kết giữa HTX, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý để từng bước bổ sung và tháo gỡ những khó khăn trong quy trình chuyển đổi số. Các nhà quản lý cũng nên xem xét mở rộng thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, HTX, doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ Israel cho thấy, để có một nền nông nghiệp đi đầu như hiện nay, đất nước này cũng cần khoảng 50% vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top