Thị trường nội địa cứu cánh cho HTX

Thị trường nội địa cứu cánh cho HTX

Trong tình hình kinh tế toàn cầu biến động, hoạt động xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc đẩy mạnh và tận dụng thị trường nội địa được xem là cách giúp nhiều HTX ổn định sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Dân số cho biết, hiện nay dân số Việt Nam là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Theo dự báo, Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu vào năm 2023.

Điểm tựa an toàn

Khi Việt Nam cán mốc 100 triệu dân, với thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD/người/năm. Dân số càng nhiều, thu nhập tăng thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa càng lớn. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng để các HTX tận dụng và cũng là cơ hội để HTX phát triển.

Không chỉ vậy, thị trường nội địa còn được coi là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho các HTX phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đơn hàng xuất khẩu có xu hướng giảm như hiện nay.

Bà Trần Thị Thuận, Giám đốc HTX may mặc Thuận Phát (Hà Tĩnh) cho biết, dù vẫn giữ được khách hàng ở thị trường châu Á nhưng khách hàng ở thị trường Châu Âu đang sụt giảm. Điều này khiến tăng trưởng của HTX không được nhiều như quý II và quý III.

Trước những khó khăn của đơn vị liên kết thu mua xuất khẩu, HTX may gia dụng Khang Thịnh Phát (Bình Dương) thời điểm này đang tập trung sang cung cấp các mặt hàng may mặc sỉ cho các shop, các chợ và bán hàng theo hình thức online để phục vụ nhu cầu thị trường nội địa.

Nhiều HTX may mặc ở Hà Nội đang đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Nem, Giám đốc HTX Khang Thịnh Phát cho rằng, chưa nói đến lợi nhuận, việc đẩy mạnh cung cấp các mặt hàng may mặc sỉ cho các shop, các chợ và bán hàng theo hình thức online cho thấy thị trường trong nước rất tiềm năng cho những đơn vị sản xuất mặc hàng may mặc, thời trang.

“Điều này ít nhất sẽ giúp HTX duy trì sản xuất, đảm bảo được công việc cho thành viên, người lao động trong lúc hoạt động xuất khẩu cuối năm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, bà Nem nói.

Có thể thấy, không chỉ trong thời điểm này mà nay từ khi vấn đề tiêu thụ nông sản bị ách tắc do Trung Quốc siết chặt chính sách phòng chống Covid-19 đã cho thấy, nhiều khi các HTX mải chinh phục thị trường nước ngoài mà bỏ quên thị trường nội địa.

Việc này đã gây lãng phí rất lớn, thậm chí nhiều HTX còn gặp không ít khó khăn ngay tại thị trường nội địa khi không tận dụng tốt những thế mạnh của thị trường này. Đến khi dịch bệnh bùng phát, xuất khẩu khó khăn, nhiều HTX phải quay về thị trường trong nước và thấy được những giá trị không nhỏ ngay trên sân nhà.

Cần có chiến lược rõ ràng

Khảo sát của Lazada và Milieu Insight năm 2022 cho thấy, 52% người Việt ưa thích và thường xuyên lựa chọn những sản phẩm, thương hiệu Việt. Ngoài điều trên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước 11 tháng qua vẫn tăng mạnh và đạt trên 5,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa chiếm phần lớn trong con số này, đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 14,8%.

Điều này cho thấy, hàng Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm không nhỏ của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng có những bước hồi phục đáng kể sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cũng tăng về những tháng cuối năm. Chính vì vậy, việc quay trở lại hoặc tiếp tục khai thác thị trường nội địa là lợi thế giúp nhiều HTX ổn định sản xuất khi thị trường xuất khẩu hàng hoá gặp phải nhiều biến động như hiện nay.

Các chuyên gia cũng cho rằng nếu có thể, các HTX nên uyển chuyển để tận dụng tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại đã có để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá cuối năm. Bên cạnh đó, việc “không quên” mở rộng thị trường trong nước là cách làm đúng đắn của các HTX sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam. Bởi nhiều năm gần đây, tổng tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 70 – 75% GDP, là lực cầu rất lớn cho hơn 27.000 HTX khai thác.

Tuy nhiên, muốn khai thác thị trường nội địa, các HTX không nên có tâm lý xem thường mà thay vào đó vẫn cần tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đa dạng mẫu mã vì thị hiếu người tiêu dùng trong nước đã khác, không còn dễ tính như xưa.

Các HTX cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm và sớm tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Nếu làm được điều này sẽ giúp sản phẩm của các HTX cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp và hàng nhập khẩu trên sân nhà.

Tuy nhiên, nhiều HTX cũng cho rằng để sản phẩm của các HTX tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng trong nước, các hệ thống siêu thị, nhà phân phối nên ưu tiên vị trí thuận lợi dành cho sản phẩm của các mô hình kinh tế tập thể, nhất là các HTX tham gia chương trình bình ổn giá hay có sản phẩm OCOP, hữu cơ.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top