Gạo ngon, thơm nhẹ xuất khẩu đạt giá trị cao
Về những tháng cuối năm xuất khẩu gạo ở ĐBSCL tiếp đà tăng sản lượng. Nhóm gạo có mùi thơm nhẹ được khách hàng ưa chuộng, sức cạnh tranh tốt, đạt giá trị cao.
Năm 2022, theo dự báo ngành hàng lúa gạo, tổng sản lượng gạo xuất khẩu cả năm sẽ vượt mức 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000-200.000 tấn so với năm 2021.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến tháng 10-2022 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt sản lượng trên 6 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỉ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10-2022, về giá trị gạo Việt Nam đang mức tăng cao, loại gạo 5% tấm có giá 425-430 USD/tấn. Đây là mức cao nhất trong gần một năm qua, cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ 48-51 USD/tấn và Thái Lan 18-27 USD/tấn.
Thị trường tiêu dùng gạo đang có sự dịch chuyển, nhóm gạo trắng ngon cơm, thơm nhẹ, cạnh tranh giá tốt có xu hướng tăng. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp có sản lượng ổn định, nói: Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022, gạo trắng từ nhóm các giống trong phân khúc thị trường gạo thơm nhẹ đang thu hút khách hàng và đạt giá trị cao. Trong đó có một số loại gạo từ nhóm giống lúa trên hiện có giá bán đạt cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Đặc biệt nổi bật có gạo thơm ST24 do Công ty Trung An xuất khẩu sang châu Âu đạt giá trị 1.200 USD/tấn.
Vào vụ lúa đông xuân (2022-2023), chuẩn bị nguồn lúa nguyên liệu, chủ yếu các giống lúa chất lượng cao xuất khẩu, Công ty Trung An đang thực hiện hợp đồng liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, sản xuất trên 20.000ha, trong đó riêng vùng sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao của công ty trên 800ha.
Vùng ĐBSCL sản xuất lúa gạo hàng hóa hiện chiếm diện tích canh tác và sản lượng xuất khẩu lớn của cả nước. Trong mấy năm gần đây, nông dân trong vùng chú trọng chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao, giống đặc sản ST24, ST25 cho phẩm chất gạo ngon, thơm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Hiện nay, một số giống lúa mới, tăng diện tích sản xuất nhiều như Đài Thơm 8, OM18, OM5451… Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cho biết đây là các giống lúa đang thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu vào những tháng cuối năm.
Sau khi kết thúc 2 vụ lúa chính đông xuân và hè thu, một số địa phương nối tiếp vụ thu đông và vụ mùa. Theo nông dân trong vùng, do sản lượng lúa 2 vụ cuối năm không nhiều, mùa giáp hạt rơi vào những tháng trong giai đoạn này nên nguồn cung giảm, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL có dấu hiệu tăng giá nhẹ.
Dù vậy, ông Bình nhận định: Hiện thời thị trường lúa gạo vẫn ổn định và không quá lo lắng khi giá lúa chớm tăng nhẹ trong lúc này. Bởi vì mặt bằng giá gạo xuất khẩu đang chuyển động theo hướng tăng lên. Thị trường lúa gạo xuất khẩu giá tốt cả nông dân trồng lúa và doanh nghiệp đều có lợi. Mặt khác, tác động từ chính sách tiền tệ một số nước, đồng đô-la Mỹ tăng giá hoạt động xuất khẩu gạo có lợi. Song, hiện nay khó khăn sẽ không chỉ trong các doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo có nhu cầu vay vốn tăng cường hoạt động kinh doanh, trong khi mức lãi suất cho vay được điều chỉnh tăng lên.
Theo dự đoán thị trường năm 2023, từ nhu cầu lương thực thế giới cùng với những tác động, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở một số nước sản xuất lúa gạo có thể sẽ giảm nguồn cung. Trong khi nhu cầu không giảm, thị trường gạo sẽ nhộn nhịp hơn.