Nhà nông tích cực chuẩn bị mùa Tết
Thời điểm này, người dân tại TP Cần Thơ đang tích cực chăm sóc và xuống giống thêm nhiều loại rau màu và hoa kiểng để chuẩn bị phục Tết Nguyên đán 2023. Năm nay, sản xuất rau màu và hoa kiểng của nông dân có phần gặp khó do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi và giá nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao. Song, với việc dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, nông dân kỳ vọng tới đây đầu ra nhiều loại hoa kiểng và rau màu Tết thuận lợi.
Hiện nay, hoa kiểng Tết đã được nông dân nhiều quận, huyện TP Cần Thơ trồng đa dạng về chủng loại. Nhiều loại hoa dài ngày, đặc biệt các loại hoa cúc đã được nông dân xuống giống trồng từ các tháng trước, cây hoa đã lên cao và nông dân đang tích cực chăm sóc để có những chậu hoa đẹp phục vụ Tết.
Ông Phan Văn Phụng ở ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: “Năm nay, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng tin tưởng đầu ra thuận lợi nên đã triển khai sản xuất. Tôi cũng đã xuống giống gieo trồng được hơn 2.000 chậu hoa các loại, tăng hơn 1.000 chậu so với năm trước, trong đó chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc Đài loan, cát tường, hoa dừa cạn. Tôi cũng đang dự kiến xuống giống thêm một số lượng vạn thọ”. Ông Tạ Thanh Tùng ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: “Gia đình tôi đã xuống giống gieo trồng hơn 1.000 chậu cúc mâm xôi, cúc đại đóa và cát tường, trong khi Tết năm trước không sản xuất hoa Tết. Năm nay, trời mưa nhiều và con nước triều cường thường xuyên dâng cao đã gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất, khiến tôi phải tốn thêm các chi phí để chống ngập cho hoa. Song, nhờ chủ động theo dõi và chăm sóc nên nhìn chung các chậu hoa của tôi đang phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi”.
Hằng năm, nhu cầu tiêu thụ nhiều loại rau màu trong dịp Tết cũng rất lớn, nhất là các mặt hàng như cải làm dưa, khổ qua và dưa hấu. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân tại nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh xuống giống dưa hấu và nhiều loại rau ăn lá và rau quả. Anh Nguyễn Thanh Hải, ngụ ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh sau đại dịch COVID-19 giúp giá dưa hấu đang ở mức khá cao với từ 7.000-9.000 đồng/kg. Tết tới đây giá dưa hấu có nhiều triển vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu nhiều nên tôi đã mạnh dạn xuống giống gieo trồng 6 công dưa hấu, trong đó tôi chủ yếu trồng các loại dưa tròn phục vụ chưng Tết”. Theo anh Đào Nhựt Trường ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cùng với trồng dưa hấu, anh cũng đã xuống giống 4 công khổ qua để phục vụ thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Khổ qua trồng khoảng 45-50 ngày là bắt đầu cho trái và thời gian thu hoạch trái có thể kéo dài đến 2 tháng. Nếu giá khổ qua duy trì được ở mức từ 10.000 đồng/kg trở lên, người trồng khổ qua có thể kiếm lời 15-20 triệu đồng/công.
Dù có những tín hiệu lạc quan và tin tưởng đầu ra rau màu, hoa kiểng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 thuận lợi nhưng nhiều nhà nông vẫn còn băn khoăn và lo lắng. Đặc biệt, nông dân sản xuất rau màu và hoa kiểng còn chưa có hợp đồng bao tiêu và đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp và nhà tiêu thụ. Giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất lại đang tăng rất cao. Nông dân rất mong ngành chức năng quan tâm có giải pháp kéo giảm giá các loại vật tư đầu vào và tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp và nhà tiêu thụ, giúp nông dân có thể tìm được các đầu mối tiêu thụ từ sớm.
Anh Lê Khắc Qui, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hoa kiểng Tân Long A ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: “HTX Hoa kiểng Tân Long A có 38 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 27ha và hiện đã xuống giống gieo trồng hơn 150.000 chậu hoa kiểng các loại, tăng 50% so với năm trước. Hiện một số loại hoa kiểng của nông dân tại HTX đã có khách hàng đặt mua, đây là tín hiệu rất tích cực. Nhìn chung nhiều bà con vẫn chưa có hợp đồng đặt hàng từ sớm của các nhà tiêu thụ. Do vậy, HTX cũng rất mong ngành chức năng hỗ trợ kết nối cung – cầu, đặc biệt kết nối nông dân với các đơn vị tổ chức làm đường hoa và những nơi có nhu cầu tiêu thụ hoa với số lượng lớn trong dịp Tết”. Theo anh Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thới Lai, nông dân trồng dưa hấu cũng mong được ngành chức năng hỗ trợ kết nối cung – cầu, quảng bá sản phẩm để tạo thuận lợi trong tiêu thụ, đồng thời được tiếp cận các nguồn vật tư đầu vào chất lượng và có giá cả phù hợp để giảm được chi phí.
Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở và ngành Nông nghiệp địa phương tăng cường khuyến nông, tập huấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Khuyến cáo nông dân lựa chọn sản xuất các loại rau màu, hoa kiểng phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để hạn chế rủi ro trong bối cảnh kinh tế chung có khó khăn và thị trường tiêu thụ hoa kiểng còn nhiều yếu tố không thuận lợi, nông dân cần chú ý tập trung sản xuất các loại hoa kiểng dễ trồng, có giá thành vừa phải, phục vụ nhu cầu thiết yếu dịp Tết. Đối với rau màu, cũng chú ý trồng các mặt hàng có nhu cầu nhiều và phải quan tâm sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn để thuận lợi kết nối với các kênh tiêu thụ và có thể phát triển xuất khẩu, nhất là đối với dưa hấu.