Nhiều dư địa trong phát triển giao thương giữa TP Cần Thơ và thủ đô Hà Nội
Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước là vùng ĐBSCL, nên thuận lợi trong kết nối và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của vùng ĐBSCL. Nhiều loại lúa gạo, trái cây, thủy sản, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nông sản chế biến của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL đã được tiêu thụ mạnh tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, dư địa phát triển trong tiêu thụ các loại nông sản của TP Cần Thơ tại thị trường Hà Nội vẫn còn rất lớn.
Nhiều dư địa
Nhiều sản phẩm nông sản do các đơn vị, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ sản xuất và phân phối đã được tiêu thụ khá mạnh tại Hà Nội, nhất là đối với các loại thủy sản, trái cây đặc sản và gạo thơm ngon. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng các đơn vị, doanh nghiệp của TP Cần Thơ tham gia phân phối, bán hàng tại thị trường Hà Nội vẫn còn ít và sản phẩm chưa đa dạng, mới chủ yếu tập trung nhiều ở một số mặt hàng gạo, trái cây và một số loại thủy sản đông lạnh (cá basa, chả cá, cá viên). Việc lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa TP Cần Thơ và Hà Nội cũng còn hạn chế về số lượng do ảnh hưởng bởi khoảng cách về địa lý của 2 thành phố, cũng như do chi phí logistics cao. Với nguồn cung sản phẩm nông nghiệp dồi dào và có nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hiện ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nông sản tại TP Cần Thơ đang tích cực kết nối với các đối tác tại Hà Nội để đẩy mạnh giao thương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, hiện có nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) của TP Cần Thơ có sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, như HTX Nhất Tâm, Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, Công ty TNHH Tân Thành, Chuỗi trà mãng cầu Kim Nhiên, Công ty TNHH Minh Đức Thành… Sản phẩm được các đơn vị, doanh nghiệp trên phân phối qua hệ thống các đại lý, siêu thị với sản lượng khoảng 70 tấn sản phẩm/tháng. Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội cũng đang thu mua và phân phối số lượng lớn các sản phẩm nông sản của Cần Thơ. Điển hình là các doanh nghiệp như Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Tuấn Anh, Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển Thuận Thiên, Công ty TNHH Kinh doanh rau quả Việt, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Phú Cường, Công ty TNHH Thương mại và chế biến thực phẩm xanh TH, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Mạnh Kiên… đang thu mua và tiêu thụ trên 200 tấn thủy sản, trên 150 tấn trái cây và trên 1.000 tấn gạo/năm.
Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc, vì vậy có nhu cầu tiêu thụ một lượng thực phẩm rất lớn. Mỗi tháng, Hà Nội cần khoảng 93.000 tấn gạo, 103.000 tấn rau củ quả, 30.000 tấn thịt, 124 triệu quả trứng và trên 5.000 tấn thực phẩm chế biến. Hiện nay, khả năng sản xuất của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với một số mặt hàng như thịt heo, gia cầm và trứng. Tuy nhiên, đối với nhiều mặt hàng khác, sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được từ 19-70%, như thực phẩm chế biến 19%, thịt trâu, bò 20%, trái cây 35%, thủy sản 52%, rau củ 55%, gạo 50%,… còn lại phải mua từ các tỉnh, thành trong nước và nhập khẩu.
Kết nối cung - cầu
Hiện nay, TP Cần Thơ đã phát triển được 99 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 260 sản phẩm được xác nhận trong chuỗi; thành phố cũng có 92 sản phẩm OCOP được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đạt hạng 3-4 sao. Hiện nay đã có 5 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của TP Cần Thơ có sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để tăng cường kết nối và phát triển tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường Hà Nội, ngành Nông nghiệp thành phố rất quan tâm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thông qua các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn. Cần Thơ mong muốn tới đây có thêm nhiều chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và ngược lại.
Nhằm tăng cường phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và Cần Thơ, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT cùng Sở NN&PTNT TP Hà Nội vừa có buổi làm việc với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ. Tại buổi làm việc này, các bên liên quan đã thống nhất cần đẩy mạnh liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để tiếp tục thực hiện tốt các nội dung Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23-10-2021 giữa Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Phối hợp tổ chức kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đến các hệ thống phân phối, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội…
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua đơn vị luôn quan tâm hỗ trợ và đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao của các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có sản phẩm của Cần Thơ. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm và hoạt động quảng bá sản phẩm. Sở mong muốn tới đây tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát triển các chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn cung cấp cho TP Hà Nội. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh sản phẩm theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì sản phẩm… giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và an tâm sử dụng.