Kết nối giao thương để tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương

Kết nối giao thương để tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương

Nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nổi bật là tổ chức các đoàn tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) với các địa phương và hệ thống phân phối… Hoạt động còn được xem là tiền đề của hợp tác; góp phần tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng giữa các địa phương, mở rộng thị trường.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2022.

Tham gia Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên – Gia Lai và giao thương DN Nhật Bản năm 2022 tổ chức cuối tháng 5, Sở Công Thương TP Cần Thơ tham gia hội chợ với 4 gian hàng của 8 DN và các chủ thể OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao. Gian hàng Cần Thơ được các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai đánh giá cao và thu hút đông đảo người dân tại địa phương đến tham quan, mua sắm. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, chỉ trong 2 ngày, một số DN đã bán hết hàng hóa mang theo, phải gởi bổ sung. Sau 5 ngày tham gia hội chợ, ước khoảng 6.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu ước khoảng 100 triệu đồng.

Tại hội chợ còn diễn ra các hoạt động giao lưu, kết nối cung ứng hàng hóa giữa các DN Cần Thơ với các tổ chức, doanh nghiệp, thương nhân phân phối. Theo đó, các DN của thành phố đã kết nối thành công để đưa hàng hóa vào hệ thống kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại tỉnh Gia Lai. Chẳng hạn, các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt phù sa kết nối với Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai để đưa hàng hóa vào hệ thống khách sạn, địa điểm du lịch trên địa bàn; sản phẩm chế biến từ các loại đậu của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Ðinh Gia Foods, sản phẩm trà mãng cầu của Công ty TNHH Sumo Food Việt Nam kết nối đưa vào giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại tỉnh Gia Lai và Ðắk Lắk; sản phẩm cá tra, cá lóc, cá sặc 1 nắng của Công ty TNHH Minh Ðức Thành đã phát triển thêm đại lý tại tỉnh Gia Lai, sản phẩm giá sạch của Cơ sở Hồng Nhung đã chuyển giao công nghệ trồng giá sạch cho cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai…

Ðầu tháng 7, tại TP Cần Thơ, Sở Công Thương tỉnh Lâm Ðồng và Sở Công Thương TP Cần Thơ tổ chức Chương trình kết nối giao thương giữa 2 địa phương. Ðây là cơ hội để các DN, HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản thế mạnh, sản phẩm OCOP… của 2 địa phương như mật ong, sản phẩm rau củ, trái cây sấy khô, trà xanh, trà thảo dược, cà phê, cacao, hạt mắc ca, nấm tươi và các sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo; gạo thơm, thủy sản đóng gói,…

Tham gia hoạt động giao thương tại TP Cần Thơ, các doanh nghiệp tỉnh Lâm Ðồng mong muốn giới thiệu những sản phẩm thế mạnh, trong đó nổi bật là các sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm OCOP, đưa nhãn hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, từng bước đưa các sản phẩm của Lâm Ðồng hội nhập sâu rộng vào thị trường các nước trong khu vực, mở rộng các thị trường truyền thống. Ông Nguyễn Thanh Nhi, Giám đốc khu vực thị trường miền Tây, Công ty TNHH Phong Giang, cho biết, trong chiến lược mở rộng phát triển thị trường, TP Cần Thơ được xác định là một trong những thị trường tiêu thụ, phân phối sản phẩm chủ lực phía Nam của đơn vị. DN sẽ đầu tư về hệ thống bán hàng cũng như áp dụng những chính sách hỗ trợ, hậu mãi tốt hơn cho người bán hàng.    

Tham gia Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp ÐBSCL với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 9, TP Cần Thơ tham gia với 12 DN. Các sản phẩm của TP Cần Thơ được các DN, thương nhân phân phối và khách tham quan đánh giá cao. Tại Chương trình, các DN của Cần Thơ còn được tiếp cận với các DN thương mại điện tử để đưa hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Mới đây nhất, cuối tháng 9, Sở Công Thương đã tổ chức đoàn kết nối giao thương tại tỉnh Ðồng Nai và Lâm Ðồng. Tại 2 địa phương diễn ra Hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm TP Cần Thơ tại thị trường tỉnh Ðồng Nai và Lâm Ðồng. Trong khuôn khổ hội nghị, đã có các biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các DN TP Cần Thơ với các DN của tỉnh Ðồng Nai và Lâm Ðồng.

Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2022 tại TP Cần Thơ diễn ra mới đây, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng luôn thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Lan, ở tỉnh Ðồng Tháp, đến tham quan, mua sắm tại  hội chợ, nhận định: “Tôi rất thích dùng các sản phẩm đặc trưng vùng miền, đặc biệt với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tạo sự yên tâm hơn cho khách hàng về chất lượng sản phẩm”.  

Nhiều ý kiến cho rằng, để việc kết nối giữa các địa phương được bền vững, bên cạnh hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giữa các địa phương cần hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương với DN quốc tế, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường. Về phía nhà phân phối cần hỗ trợ thông tin cho các DN, HTX về những quy chuẩn, quy cách, của công ty khi thu mua các sản phẩm; những quy định trước khi ký Hợp đồng nguyên tắc. DN, HTX chú trọng và hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn quốc gia và tiến đến đạt chuẩn quốc tế; phát triển đa dạng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu lớn; hướng đến phát triển những sản phẩm có giá trị tăng cao.

Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, việc tổ chức, tham gia nhiều hoạt động, chương trình kết nối giao thương là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh sản phẩm OCOP của Cần Thơ tại thị trường các tỉnh, thành; kết nối cung – cầu với các nhà sản xuất của Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các DN địa phương, các chủ thể OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Ðồng thời, tạo điều kiện để sản phẩm thế mạnh, đặc sản và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận, kết nối các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài thành phố, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Nam

All in one
Scroll to Top