Chính sách hỗ trợ hợp tác xã cần mạnh hơn, tập trung hơn

Chính sách hỗ trợ hợp tác xã cần mạnh hơn, tập trung hơn

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật cũng như có các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thế, song các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định của dự thảo luật còn chưa cụ thể, rõ ràng và đề nghị cần rà soát để cụ thể hóa, có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn, tập trung hơn, tránh dàn trải.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). 

Các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã và cho rằng, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã cho thấy, phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung quy định về chính sách của Nhà nước hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể. 

Tháo gỡ vướng mắc, giúp hợp tác xã tiếp cận chính sách hỗ trợ

Cho ý kiến về Điều 19 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng nếu được thông qua thì đây có lẽ là điều luật dài nhất trong lịch sử lập pháp với độ dài 4 trang giấy nhưng nội dung chính sách chưa thể hiện rõ các chính sách ưu đãi của nhà nước. Đại biểu dẫn chứng: điểm đ khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật về xây dựng và triển khai các Chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận  thức, kiến thức quản trị và sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác; điểm e khoản 1 quy định người dân, các tổ chức kinh tế hợp tác được hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý, thủ tục thành lập mới, chuyển đổi từ Tổ hợp tác sang hợp tác xã nhưng không rõ dịch vụ hỗ trợ miễn phí hay hỗ trợ với giá dịch vụ ưu đãi.

Theo đại biểu, mới chỉ có khoản 3 và khoản 9 Điều 19 là rõ nhất về ưu đãi liên quan đến thuế, phí, lệ phí và ưu đãi khi chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại để có thể tách điều này thành 02 điều cụ thể. Theo đó 1 điều quy định về những chính sách lớn mà nhà nước phải làm để thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể và 1 điều quy định về các ưu đãi cụ thể, rõ ràng mà hợp tác xã được hưởng thì mới khả thi và hợp tác xã mới có thể được thụ hưởng.

Theo đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái), thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quyết định của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2026. Theo đó, đã ban hành và tổ chức nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Nhiều hợp tác xã sản xuất tự phát, quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị, thiếu lao động được đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của nhà nước còn ở mức thấp, do nhiều địa phương khó khăn trong bố trí nguồn lực, điều kiện và thủ tục hỗ trợ khá phức tạp, chưa tạo thuận tiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác, một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, chưa bao phủ vốn đến các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Với những hạn chế trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ. Trong đó, cần có các chính sách hỗ trợ về ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, cơ chế thúc đẩy, khuyến khích, liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp. 

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, đại biểu đề nghị nghiên cứu cần có quy định ưu tiên đối tượng là hợp tác xã trong đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác được nhận chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở chế biến, logistics, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị, xây dựng cụm công nghiệp chế biến, trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác xã…

Thiết kế chính sách có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cũng nêu rõ, dù có nhiều chính sách nhưng phần nhiều là các chính sách các hợp tác xã rất khó tiếp cận, thậm chí có những chính sách hợp tác xã không tiếp cận được. 

Theo đại biểu trong dự thảo luật, tại Điều 19 có tới 39 nhóm chính sách, tăng hơn gấp đôi so với quy định của Luật năm 2012 là rất dàn trải. Đại biểu cho rằng “nhiều chính sách chưa hẳn là tốt, có khi tạo sức ì cho hợp tác xã”.

 Do đó, đại biểu đề nghị rà soát lại và tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách của luật năm 2012 để làm sao hợp tác xã dễ tiếp cận nhất, thúc đẩy phát triển hoạt động của hợp tác xã. 

Cụ thể hơn, đại biểu cho rằng phải quan tâm tới các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị hợp tác xã; chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách về thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, tháo gỡ chính sách về đất đai; tháo gỡ chính sách về tín dụng để làm sao các tổ chức hợp tác, nhất là hợp tác xã tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng.

Quan tâm đến chính sách về đất đai đối với hợp tác xã – một trong những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như: xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ thống nhất với ý kiến của các đại biểu theo đó, sẽ phải tập trung, chú trọng vào một số các chính sách đang là điểm nghẽn, đang làm cản trở hoạt động kinh tế tập thể hiện nay như phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao năng lực, trình độ, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đề cụ thể hóa một số chính sách có tính chất đặc thù riêng đối với khu vực hợp tác xã trong thời gian tới; làm rõ những tiêu chí để thực hiện các chính sách và hướng đến phát huy những giá trị tốt đẹp của mô hình kinh tế hợp tác và có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng cần hỗ trợ./.

vca.org

All in one
Lên đầu trang