Ðổi mới tư duy trong xây dựng và quản lý mã số vùng trồng

Ðổi mới tư duy trong xây dựng và quản lý mã số vùng trồng

Hiện nay, các loại trái cây tươi khi muốn đưa vào bán tại nhiều siêu thị trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài phải đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng để truy xuất được nguồn gốc. Ngành chức năng tại các địa phương cùng nông dân, doanh nghiêp cần kịp thời đổi mới trong tư duy và hành động để thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng cho cây ăn trái và các loại cây trồng nói chung, góp phần ổn định và tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ quan tâm liên kết sản xuất theo VietGAP và xây dựng mã số vùng trồng, sản phẩm trái cây của Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, ở huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Thị trường yêu cầu cao

Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng (mã code) và mã số cơ sở đóng gói. Ðặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn trước đây được xem là “dễ tính” như thị trường Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu trên. Từ năm 2019, Trung Quốc đã đặt ra yêu cầu trái cây xuất khẩu chính ngạch phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Hiện nay, trái cây và nhiều loại nông sản của nông dân khi muốn đưa vào bán tại siêu thị và nhiều kênh bán hàng hiện đại khác như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử… cũng đòi hỏi sản phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP, Global GAP…) và có mã để truy xuất nguồn gốc.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương đã nỗ lực tìm mọi cách để cấp được các mã số vùng trồng cho cây ăn trái phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường mục tiêu và chuẩn bị cho mở cửa thêm thị trường xuất khẩu mới, cũng như tiêu thụ tại nội địa. Song, do còn gặp nhiều khó khăn nên số diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng vẫn còn ít so với diện tích chung, nhất là khi cả nước hiện có hơn 1,1 triệu héc-ta cây ăn trái.

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đã có 50/63 tỉnh, thành được cấp tổng cộng 4.000 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái, với tổng diện tích 300.000ha. Các mã số vùng trồng trên được cấp cho các loại cây ăn trái như chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, dưa hấu… Hiện các địa phương vùng ÐBSCL đã được cấp 1.561 mã số vùng trồng cho cây ăn trái, chiếm tỷ lệ hơn 39%; vùng Ðông Nam Bộ có 224 mã số vùng trồng cây ăn trái, chiếm tỷ lệ 5,6%; Tây Nguyên có 168 mã số vùng trồng, chiếm tỷ lệ 4,2%… Các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước cũng đã được cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Trong đó, vùng ÐBSCL được cấp 923 mã cơ sở đóng gói, chiếm tỷ lệ 50%.

Nâng cao nhận thức và hành động

Nông dân và doanh nghiệp còn thiếu các thông tin, kiến thức và quy trình đăng ký xây dựng mã số vùng trồng… dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Mặt khác, thời gian qua cũng  xảy ra trường hợp mã số vùng trồng tại một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến có trường hợp vi phạm trong khai thác, sử dụng mã số vùng trồng. Ðơn cử như việc sử dụng mã số vùng trồng của khu vực này nhưng lại lấy sản phẩm trái cây của khu vực khác để đưa đi tiêu thụ. Do vậy, tới đây các cấp chính quyền, nhất là ngành chức năng tại địa phương cần quan tâm tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong xây dựng mã số vùng trồng. Ðồng thời, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa các trường hợp vi phạm để bảo vệ uy tín, thương hiệu của trái cây Việt Nam. Cần xác định công tác xây dựng và quản lý mã số vùng trồng không phải là công việc riêng của nông dân hay doanh nghiệp mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó chính quyền tại địa phương nắm giữ vai trò rất quan trọng.

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, trước đây Bộ giao cho Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Còn hiện nay, Bộ NN&PTNT đã phân cấp về cho Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại các địa phương quản lý và cấp mã số vùng trồng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ cũng chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn tại địa phương và ban hành các tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo đó, Cục Bảo vệ Thực vật đã ban hành TCCS 774 về quy định thiết lập và giám sát vùng trồng và TCCS 775 về quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói.

Ðể thiết lập được mã số vùng trồng, nông dân cần nắm rõ các quy định về diện tích cây ăn quả tối thiểu là 10ha. Ðồng thời, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu và nhà tiêu thụ. Kiểm soát vi sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của các nước nhập khẩu. Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nhiều nông dân, thậm chí có hợp tác xã còn ngại thực hiện và chưa đảm bảo sản xuất đầy đủ theo các tiêu chí trên, nhất là ghi nhật ký canh tác và áp dụng cùng một quy trình sản xuất, từ đó khó cho việc cấp mã số vùng trồng. Ðể không tạo khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, vấn đề xây dựng mã số vùng trồng cần phải được nhận thức một cách mạnh mẽ hơn và rất mong các cơ quan truyền thông, chính quyền tại địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Lên đầu trang