Phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

Phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái tại TP Cần Thơ đã liên lục tăng và trở thành loại cây trồng quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Ðể phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái, ngành chức năng đã chú trọng công tác vận động, hỗ trợ nông dân trong cải tạo vườn tạp, chọn trồng các loại cây trái ngon, đặc sản. Hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn.

Trái ngon, đặc sản

Bên cạnh chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, thời gian qua nông dân trên địa bàn thành phố tích cực thực hiện cải tạo vườn tạp và các vườn cây già cỗi kém hiệu quả, sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản, có giá trị cao. Chú trọng phát triển cây ăn trái theo hướng chuyên canh và hình thành các vùng trồng cây trái tập trung nhằm thuận lợi trong chăm sóc, quản lý sâu bệnh và kết nối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Sau khi vườn cây vú sữa có dấu hiệu bị lão hóa, tôi đã chuyển sang trồng các loại sầu riêng hạt lép Ri 6 và Mỏn Thon. Năm nay, vườn sầu riêng của tôi thu được 20 tấn trái, giá bán từ 45.000-50.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, lời khoảng 600-700 triệu đồng. Hiện tôi có 1ha sầu riêng đã cho trái và 1ha dự kiến năm tới bắt đầu để trái”.

Theo ông Nguyễn Văn Triều, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ðồng Tâm, ở huyện Thới Lai, nông dân tại HTX đã có thu nhập khá tốt nhờ phát triển mô hình chuyên canh trồng nhãn Ido. HTX có 56 xã viên, với diện tích trồng khoảng 120ha, trong đó có 24ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nông dân có diện tích trồng nhãn lên đến vài héc-ta và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ðể nâng cao hiệu quả trồng nhãn, nông dân tại HTX không chỉ quan tâm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà còn chủ động nghiên cứu, xử lý cho cây ra trái rải vụ quanh năm để hạn chế được tình trạng “rộ mùa, rớt giá”.

Ðến nay, Cần Thơ có hơn 23.500ha cây ăn trái, với sản lượng trái đạt hơn 168.250 tấn/năm. Nhiều diện tích vườn cây giúp nông dân đạt được mức lợi nhuận từ 200-800 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn. Các loại cây ăn trái được trồng tại thành phố khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều cây ăn trái ngon, đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, cam, bưởi, dâu Hạ Châu… giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Cần Thơ đã hình thành được nhiều vùng cây ăn trái tập trung chuyên canh như vùng trồng sầu riêng, vú sữa và dâu Hạ Châu tại huyện Phong Ðiền, nhãn tại Ô Môn và Thới Lai, mận ở Thốt Nốt, nhãn và xoài ở huyện Cờ Ðỏ… Các địa phương cũng đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như cam xoàn và nhãn Ido – Thới An, quận Ô Môn; dâu Hạ Châu – Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền; sầu riêng Tân Thới và vú sữa Trường Khương A thuộc xã Trường Long, Phong Ðiền… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, các cấp chính quyền tại thành phố đã quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, hệ thống đê bao và cống ngăn lũ để bảo vệ vườn cây ăn trái. Tích cực tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ về cây giống, về vốn… nhằm giúp nông dân nhân rộng, phát triển các mô hình trồng cây hiệu quả.

Ông Lê Văn Ảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Xã đã tích cực phối hợp ngành chức năng huyện và thành phố thực hiện nhiều hoạt động tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ để nông dân trồng cây ăn trái đạt hiệu quả. Ðến nay, xã có hơn 2.400ha cây ăn trái, với nhiều chủng loại cây trái ngon như sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, măng cụt… Ðặc biệt, sầu riêng là một trong những loại cây trồng chủ lực giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, với tổng diện tích hiện đạt 670ha”. Theo ông Hoàng Hậu Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, dù diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã còn ít nhưng nhiều mô hình trồng cây ăn trái tại xã như trồng bưởi da xanh, cam xoàn… đã khẳng định hiệu quả, giúp nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập và xã đang tích cực hỗ trợ nông dân nhân rộng. Xã cũng quan tâm vận động nông dân trồng cây ăn trái liên kết thành lập hợp tác xã để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất và thuận lợi kết nối với các nhà tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền tại thành phố cũng quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng và sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tới đây ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở ngành và địa phương, định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Chú trọng mở rộng diện tích vườn cây ăn trái ngon, đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài cát Hòa Lộc… Ngành Nông nghiệp cũng tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho trái cây Cần Thơ và đẩy mạnh các hoạt động chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm tại cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua nhiều loại trái cây của Cần Thơ như sầu riêng, vú sữa… cũng đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính, đặc biệt là châu Âu.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Scroll to Top