Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp

Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp

Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) có tác động tích cực đối với phát triển nền kinh tế – xã hội và các địa phương của nước ta, từ đó góp phần vào việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng nhằm ổn định giá cả thị trường, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Xu hướng khách quan chung từ thực tiễn thế giới cho thấy KTTT và HTX ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế – xã hội.

Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn HTX quốc tế (ICA), HTX liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển; đến nay có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới; chẳng hạn: Cộng hòa Liên bang Đức, hầu hết nông dân là thành viên HTX, sản xuất từ 30% đến 90% sản lượng lương thực, thực phẩm, chiếm 35% thị phần tín dụng nông thôn; Hà Lan có 25,5 triệu thành viên HTX, gấp 1,5 lần dân số, đóng góp 18% GDP; Nhật Bản, HTX có 65 triệu thành viên, gần 50% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ của HTX; Thái Lan có 6.626 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, đóng góp 13% GDP; Hoa Kỳ có 50.000 HTX, chiếm 25% thị phần nông sản chế biến và tiêu thụ…

Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá: “HTX là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong những nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng ở các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung”, “HTX là đối tác chính trong hệ thống của Liên hợp quốc, HTX là mô hình về tự trợ giúp và đoàn kết, đóng góp của HTX rất đặc biệt và vô giá”.

Khẳng định vai trò quan trọng của KTTT, HTX trong nền kinh tế

Tại Việt Nam, hiện nay, các HTX đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào những cánh đồng mẫu lớn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao trình độ sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp vào thành công chung của đất nước trong thời gian qua.

Phát triển kinh tế hợp tác, HTX được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21/2/2013; Luật Hợp tác xã năm 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan. Đặc biệt, với vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam (LMHTXVN) giúp cho Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát triển nền kinh tế tập thể ngày càng vững mạnh, đóng góp quan trọng vào nền tảng của nền kinh tế đất nước.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.

Tuy nhiên, khu vực KTTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết XIII đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về KTTT, HTX còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (LMHTXVN), sự phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng của HTX trên khắp cả nước ta thời gian qua có được là nhờ vào vai trò quan trọng của hệ thống LMHTXVN ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, LMHTX tỉnh, thành phố tham gia công tác quản lý nhà nước đối với HTX, thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển KTTT, HTX ở Trung ương và địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX. Đội ngũ cán bộ của hệ thống LMHTXVN bám sát địa bàn xã vận động, tư vấn và hỗ trợ thành lập mới HTX; đào tạo cán bộ chủ chốt HTX; hỗ trợ phương tiện quản lý, hướng dẫn HTX huy động các nguồn lực sản xuất, kinh doanh; giám sát, lắng nghe và cùng HTX xử lý các khó khăn, vướng mắc; phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho HTX.

Với chức năng nhiệm vụ của mình thời gian qua, LMHTXVN cũng đã tổ chức tổng kết và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả; các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng.

Bản thân LMHTXVN cũng đã không ngừng phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường giám sát việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động của HTX sao cho có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giám sát hoạt động của các hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về hợp tác xã và huy động nguồn lực ở trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho HTX phát triển.

vca.org.vn

All in one
Lên đầu trang