Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn quá ít so với nhu cầu, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.
Nguồn vốn tín dụng cho hợp tác xã quá ít, nhiều rào cản
Chính sách tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tuy đã được ban hành nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn. Điều này được thể hiện qua số dư nợ đối với HTX, đặc biệt là dư nợ đối với các HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp.
Theo ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), dư nợ cho nền kinh tế đến cuối năm 2021 là khoảng 9,68 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là hơn 2,42 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm 25% tổng dư nợ cho nền kinh tế, nhưng tổng dư nợ cho HTX, liên hiệp HTX chỉ chiếm 1.137 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự chênh lệch về nguồn đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế thập thể, HTX.
“Nguyên nhân là do các HTX hạn chế về tổ chức, quản trị điều hành, năng lực quản lý tài chính và đội ngũ cán bộ quản lý chủ yếu theo kinh nghiệm. Mối quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết khiến không ít thành viên tự đứng lên vay vốn bên ngoài chứ không thông qua HTX. Điều này rất khó khăn trong việc thuyết phục các tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định phương án vay” – ông Phạm Minh Tú nói.
Các HTX đặc biệt ở khu vực nông nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính. Cụ thể là muốn vay được vốn để triển khai dự án mới, HTX phải có nguồn vốn đối ứng tối thiểu từ từ 20-30% nhưng nhiều HTX không đáp ứng được, ông Phạm Minh Tú cho biết.
Hoạt động của mô hình HTX hiệu quả còn chưa cao, số lượng dịch vụ ít. Sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường và chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị nên chưa đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường, khó đáp ứng các điều kiện vay vốn. Các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn trong quá trình thẩm định và chấp nhận các điều khoản vay vốn của các HTX do HTX thiếu hoặc không có các điều kiện đảm bảo.
Hầu hết các tổ chức tín dụng vẫn thực hiện xét duyệt hồ sơ vay theo các mô hình cho vay truyền thống. Do vậy khi thẩm định phương án vay vốn cho HTX theo Nghị định 55 phải mất nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều khó khăn với các HTX nông nghiệp trong chuyển đổi số
Bên cạnh việc “khát” vốn trong hoạt động, các HTX còn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong chuyển đổi số, dù đây là xu thế tất yếu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Việc chuyển đổi số sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tiếp cận nhanh với thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, các HTX muốn sản xuất theo chuỗi giá trị thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Ví dụ HTX muốn truy xuất nguồn gốc, làm thương mại điện tử, quản trị minh bạch thì phải chuyển đổi số, áp dụng công nghệ.
“Để HTX chuyển đổi số cần 3 điều kiện. Thứ nhất, mô hình HTX quản trị theo Luật, có hiệu quả và quy mô đủ lớn thì mới đủ chi phí để làm. Thứ hai là cơ sở hạ tầng thông tin về vùng sâu, vùng xa vì các HTX phần lớn nằm ở nông thôn. Thứ ba là nguồn nhân lực trong HTX, quản trị sản xuất, cả nhân lực HTX thành viên có kinh nghiệm sử dụng kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin” – ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ.
Trong bối cảnh của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế-chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để phát triển bền vững kinh tế tập thể, HTX.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, còn có nhìn nhận chưa đúng hẳn về HTX. Từ mô hình HTX các nước để soi chiếu, nhìn nhận đúng đắn về HTX để có giải pháp phát triển kinh tế HTX
“Các mô hình HTX hoạt động được hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho HTX rất quan trọng, cần được chú trọng. Đào tạo nhân lực tốt sẽ thúc đẩy quản trị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của HTX” – bà Nguyễn Thị Lan nói./.